Cái chết sẽ diễn ra với tất cả mọi người, đó là điều chắc chắn, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Con người chúng ta thường ít khi nghĩ đến/nhắc đến cái chết, bởi chúng ta cho rằng “còn lâu mới chết” hoặc vì sợ chết mà né tránh.
Mình cũng vậy, năm nay (năm 2024) mình 32 tuổi, mình biết mình sẽ chết nhưng nếu tính theo quy luật tuổi tác thì còn mấy chục năm nữa. Cho nên, mình tạm bỏ qua quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người để tiếp tục vui sống.
Thế nhưng, trong một lần nói chuyện với con trai của mình, câu nói và dòng nước mắt của con đã khiến mình nghĩ nhiều hơn về cái chết. Con hỏi “Khi con 100 tuổi con học lớp mấy?”, mình trả lời rằng “Lúc đó con chết rồi không đi học nữa”. Con hỏi tiếp “Vậy còn mẹ thì sao?”, mình trả lời “Mẹ sẽ chết trước con”. Con trai của mình khóc và nói “Con không muốn mẹ chết. Mẹ chết con ở 1 mình sợ lắm. Con nhớ mẹ thì làm sao?”. Mình trấn an rằng “Còn lâu lắm, tận 100 tuổi mẹ mới chết mà”. Câu nói này khiến con cảm thấy yên tâm hơn, vì nghe đến số 100 con nghĩ rằng rất dài, rất xa, rất lâu (con chỉ mới 6 tuổi chưa biết được đơn vị đo thời gian, luôn nghĩ rằng 100 là con số rất lớn). Nhưng mình thì lại bắt đầu chuỗi ngày suy nghĩ về cái chết.
Sợ những cái chết bất ngờ
Trước đây và cả bây giờ, mình sợ những cái chết không báo trước. Sợ cho mình và sợ cho cả những người thân yêu bên cạnh. Cuộc sống hàng ngày luôn tồn tại những cái chết như vậy. Mỗi lần nghe tin mình đều không khỏi xót xa.
– Mình sợ mình chết bất ngờ, khi chưa có sự chuẩn bị, còn bao thứ dang dở.
Ít nhất, hãy cho mình thời gian để mình sắp xếp đâu vào đấy trước khi ra đi, hoặc thực hiện những điều mà mình mong muốn. Giống như cô bạn cùng phòng thời học đại học của mình, cô ấy biết trước cái chết 2 năm. Trước khi nằm liệt giường và đón nhận cái chết, cô ấy đã kiếm tiền, đi du lịch khắp nơi, hoàn thành mọi mong ước của bản thân. Dĩ nhiên trước đó, khi mới bắt đầu đón nhận thông tin mình sắp chết, cô ấy cũng đã trải qua thời gian đau đớn, gục ngã. Sau khi bình tâm, cô đã sống cho mình và sống hết mình trước khi rời khỏi thế gian này.
Mình cũng mong muốn rằng, nếu thực sự mình phải chết sớm hơn quy luật, thì hãy cho mình thời gian để chuẩn bị. Dẫu rằng điều này sẽ khiến mình sợ hãi, đau khổ nhưng ít nhất mình cũng đã có sự chuẩn bị và hoàn thành những điều mình mong muốn.
– Mình sợ những người thân yêu xung quanh mình đột ngột ra đi.
Mặc dù đang sống yên ổn nhưng thỉnh thoảng mình vẫn nghĩ rằng: Nếu một ngày chồng/con hoặc những người thân của mình “đột tử” thì sẽ ra sao? Mình biết đó là điều kinh khủng nhất nên mỗi lần nghĩ đến đó mình sẽ không nghĩ tới nữa. Có lẽ hầu hết ai cũng vậy, cho rằng nghĩ đến cái chết là điều xui xẻo nên chọn cách né tránh. Nếu né mà có thể tránh được thì tốt biết bao nhiêu, nhưng nếu né vẫn không tránh được thì thật là khủng khiếp.
Mình từng chứng kiến một cặp đôi yêu nhau, giận nhau và chia tay. Khi chia tay, người phụ nữ nói với người đàn ông rằng “Chúng ta xa nhau cả đời này cũng được, miễn rằng anh PHẢI SỐNG”. Câu nói đó cho thấy, cùng là xa nhau nhưng sự chia tay giữa người và người không đáng sợ bằng sự chia ly, nhất là cái chết bất ngờ không được biết trước.
Những cái chết biết trước sẽ giúp chúng ta đối mặt dễ dàng hơn. Ví dụ như sự ra đi của ông nội mình trước đó, mặc dù ông chết không hoàn toàn do quy luật mà có yếu tố bệnh tật trong đó. Nhưng việc ông nằm viện mấy tháng trời, cộng với sự già yếu của tuổi tác thì tất cả mọi người đều có sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Khi ông “đi”, tất nhiên con cháu không tránh khỏi những nỗi niềm tiếc thương, đau xót. Nhưng cảm giác đó sẽ nhanh qua đi, con cháu chấp nhận quy luật này và sớm trở về với cuộc sống riêng của mình.
Hay tình trạng của bà nội mình hiện tại. Bà sắp 100 tuổi, hiện không bị bệnh tật gì nhưng vì cơ thể “xuống cấp” nên bà gặp các vấn đề về xương khớp, trí nhớ, miễn dịch,… Bà vẫn đang sống nhưng nằm một chỗ, đầu óc không tỉnh táo. Ai nấy cũng biết rằng, thời gian bà sống chỉ còn tính bằng ngày, tháng, năm nên đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần.
Đối với những cái chết được biết trước như vậy, sự tiếc thương còn đó nhưng xen lẫn vào đó là sự chấp nhận và tinh thần sẵn sàng đón nhận, đối mặt. Còn những cái chết không biết trước, đó mới là điều đáng sợ nhất cho cả người chết và người sống.
Lo lắng cho người ở lại
Trước đây khi ý thức được sự sống – cái chết, mình đã lo lắng về ngày cuối cùng của cuộc đời. Có giai đoạn, mình sợ chết đến đỉnh điểm, nghĩ nhiều về nó và luôn trong tình trạng bất an. Lúc đó, mình hoàn toàn nghĩ cho bản thân, sợ chết chỉ vì ham sống mà thôi, sợ chết vì không muốn bỏ lỡ mọi thứ của cuộc đời này.
Từ sau khi có con, khi nghĩ đến cái chết thì điều mình lo lắng đã khác đi. Dĩ nhiên vẫn còn sự ham sống trong đó, nhưng mình nghĩ cho bản thân thì ít, nghĩ cho người thân của mình thì nhiều.
Mình nghĩ nhiều về con cái của mình. Nếu mình chết đi, con cái của mình sẽ ra sao? Dĩ nhiên, con vẫn còn bố, còn ông bà nội/ngoại, còn anh em họ hàng,… Nhưng tất cả những mối quan hệ đó cũng không thể nào bằng người mẹ được. Điều này đã được mình nói đến ở bài viết 2 giới hạn CUỐI CÙNG của người phụ nữ. Sau khi mình chết đi, con sẽ ở cùng ông bà nội hay dì ghẻ? Ở với ai thì cũng không thể bằng mẹ – người yêu thương con vô điều kiện trên đời này.
Mình đã mua bảo hiểm cho 2 con cách đây vài năm. Lý do mình mua bảo hiểm là vì sợ cái chết sớm khiến con thiếu thốn, thì đã có bảo hiểm thay mình nuôi con. Nhưng mình hiểu rằng, thứ mình mua chỉ là bảo hiểm về tài sản, còn về tính mạng, không một ai có thể đảm bảo cho mình được. Mình cũng biết, thứ con mình cần là sự sống của mình chứ không phải là vật chất được đổi lấy từ tính mạng người mẹ. Nhưng nếu điều không may đó xảy ra thì ít nhất sự ra đi đột ngột của mình cũng sẽ đem lại lợi ích nào đó cho con, không phải là tinh thần thì là vật chất.
Mình cũng nghĩ đến mẹ – người sinh ra mình. Giống như tình cảm mình dành cho các con, thì mẹ cũng là người yêu thương mình bằng cả tính mạng. Sẽ ra sao nếu “giọt máu” của mẹ không còn nữa? Còn đau khổ nào hơn “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”? Nếu một ngày mình chết đi (chết sớm hơn quy luật tuổi tác), mình sẽ vì sự đau lòng của mẹ mà không nỡ rời đi một chút nào. Không nỡ nhưng lại phải ra đi, chỉ nghĩ đến thôi đã cảm thấy thật khủng khiếp rồi.
Mình không nghĩ cho chồng dù hiện tại anh cùng mình và các con chính là mảnh ghép tạo nên gia đình hạnh phúc. Dù cho sự ra đi của mình sẽ khiến chồng cảm thấy mất mát, đau khổ thì một ngày nào đó, anh cũng sẽ quên đi và tiếp tục sống cho cuộc đời của chính mình. Đến tuổi này rồi mình nhận ra, tình yêu vô điều kiện chỉ tồn tại ở người mình sinh ra và người sinh ra mình. Còn tất cả các thứ tình cảm khác đều phải có điều kiện và thời hạn sử dụng. Tình cảm chồng dành cho mình cũng vậy thôi, nó sẽ ít dần và biến mất theo thời gian, nhất là khi mình không còn trên đời này nữa.
Tha thứ và yêu thương thật nhiều
Nghĩ nhiều đến cái chết, mình bỗng dưng bao dung hơn và muốn tha thứ hết cho người trên đời này. Xung quanh chúng ta sẽ có rất nhiều người, nhiều mối quan hệ. Bên cạnh những người chúng ta yêu, thương, trân trọng thì cũng sẽ có những người khiến chúng ta ghét, hận, đố kị. Nếu biết một ngày chúng ta sẽ chết, biết rằng thời gian sống là hữu hạn, vậy có phải chúng ta nên chọn cách sống yêu thương thật nhiều không?
Ngay từ bây giờ, hãy tha thứ cho những người khiến chúng ta không vui, khiến chúng ta buồn, đau khổ, tổn thương,…! Vì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết đi, hoặc người ta ghét cũng không còn trên đời này nữa, vậy sự thù ghét cũng trở nên vô nghĩa rồi. Thay vào đó, hãy tha thứ cho họ giống như việc trút bỏ tảng đá đè lên người, tha thứ cho người nhưng lại là giải thoát cho mình.
Cuộc sống ngắn ngủi vô cùng, dù cho chúng ta có 100 năm để sống đi chăng nữa. Thì việc chúng ta dành thời gian, tâm trí để ghét, giận, thù ai đó cũng khiến chúng ta “hao tâm tổn sức”, chưa kể đến những tác động tiêu cực đến tâm trạng, tinh thần và cả sức khỏe. Chọn cách sống bao dung cũng là cách để chúng ta tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi này.
Nói thì dễ nhưng làm mới khó, ngay cả mình – người viết những dòng này cũng không làm được. Mình cũng đang ghét một vài người và giận một số người. Trong khoảng thời gian nghĩ nhiều đến cái chết như lúc này, mình đã nghĩ đến sự tha thứ. Mình định bỏ qua nhưng lại không làm được. Không phải là mình không thể tha thứ, mà cái tôi của mình không cho phép mình lên tiếng trước để cải thiện mối quan hệ. Cuối cùng, mình chọn cách bỏ qua trong tâm, tức là lòng mình sẽ không nghĩ nhiều về những điều/những người đáng ghét ấy nữa, thay vào đó nghĩ về những người/những điều tốt đẹp và tận hưởng cuộc sống này.
Học cách tận hưởng cuộc sống
Lại nói về cô bạn ở chung phòng hồi học đại học cùng mình, cô ấy đã từng nói với mình như sau: “Nếu Hải giống như mình (tức là biết không còn sống được bao lâu nữa), Hải sẽ biết phải sống như thế nào”. Ý của cô ấy là HÃY SỐNG CHO BẢN THÂN, đừng nghĩ cho người khác nữa.
Nếu chúng ta biết rằng, thời gian sống của chúng ta sẽ được tính bằng ngày/tháng/năm, có phải điều chúng ta làm sẽ là dành cho bản thân mình không? Ví dụ như ăn những món ăn ngon, những món ăn mà ngày thường chúng ta không được ăn hoặc tiếc tiền không dám ăn. Hoặc mua những thứ mà chúng ta yêu thích nhưng vì lý do nào đó mà không dám mua. Hoặc đi đến những nơi chúng ta thích, những vùng đất mới, trải nghiệm và khám phá thật nhiều. Hoặc đưa ra những lựa chọn CÓ LỢI cho mình mà không cần nghĩ đến những người xung quanh.
Nhưng hầu hết chúng ta khi đang sống lại không chọn cách sống như vậy. Vì nghĩ rằng “còn lâu mới chết” nên cuộc sống của chúng ta luôn là: tằn tiện, nghĩ đến người khác, để bản thân chịu thiệt, để mai tính,… Những điều mình thích luôn hỏi người khác. Những điều mình muốn nhưng lại để cho sau này. Những điều tuyệt vời của cuộc sống luôn phải nhường sau cho “cơm, áo, gạo, tiền”.
Trong khi đó, cuộc sống này là vô thường, hôm nay chúng ta đang sống, nhưng ngày mai cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu không phải là bất ngờ thì cái chết cũng chắc chắn đến khi chúng ta đi đến hết cuộc đời. Tưởng là dài nhưng ngắn lắm, quanh đi quẩn lại chúng ta sẽ chạm đến ngưỡng “gần đất xa trời”. Lúc đó mới nghĩ đến tận hưởng liệu có phải đã muộn màng quá không?
Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, nếu con người sống đến 78 tuổi thì thời gian của họ được sử dụng như sau:
Vậy nếu cuộc đời thật sự ưu ái cho bạn về cái chết được biết trước và đúng như quy luật, bạn sẽ chọn cách sống như thế nào và dành bao nhiêu thời gian cho bản thân để tận hưởng cuộc sống này?