Con người mình, tính cách của mình có nhiều điều – gọi là thú vị cũng không phải, kỳ cục cũng không đúng, đặc biệt lại càng không. Không biết xếp vào đâu nên mình gọi nó là “kỳ cục kẹo”.
Tất cả mọi thứ phải đúng vị trí mới chịu
Mình có phải là một người mắc chứng OCD (chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến một người trở nên siêu sạch sẽ và siêu kỹ càng) không nhỉ? Bởi vì mình có những thói quen rất cứng nhắc giống như dấu hiệu của người bị “bệnh” này. Đó là chứng khó chịu khi thấy mọi thứ mình đã sắp xếp bị thay đổi vị trí.
Ví dụ: Mình đã sắp xếp đồ đạc như thế nào thì nó phải để yên ở đó, nếu người khác thay đổi vị trí của chúng thì mình sẽ rất khó chịu. Thậm chí không cần thay đổi vị trí, chỉ cần bị nghiêng ngả thôi là mình đã cảm thấy không vui rồi. Điều này biến mình thành một người hay để ý và có vẻ như rất khó tính. Ngoại trừ con cái (vì chúng quá nhỏ chưa biết) ra thì tất cả những người còn lại khi làm thay đổi vị trí đồ đạc mà mình sắp đặt thì mình đều cau có, khó chịu. Mình có thể nói ra hoặc không nói ra nhưng chắc chắn một điều là mình không vui.
Hình như nhờ vậy mà mình có một khả năng đặc biệt “hơn người”, đó là nhớ được vị trí của các món đồ mình đặt. Sau khi sinh nở 2 lần thì trí nhớ của mình đã bị giảm đi rất nhiều, mình nhớ nhớ quên quên thường xuyên. Nhưng cái chuyện nhỏ nhặt là vị trí để đồ của mình như thế nào thì mình lại nhớ rất rõ, vì vậy chỉ một chút xê dịch xíu xiu thôi là mình cũng đã nhận ra rồi.
Liên quan đến cái tính này, mình có một thói quen khá kỳ cục kẹo nữa đó là: Dù mình đang làm gì, bận bịu đến mấy, vội vàng cỡ nào nhưng nếu nhìn thấy vị trí đồ bị thay đổi, mình sẽ ưu tiên đặt lại đồ cho đúng vị trí nếu không mình sẽ rất bứt rứt, khó chịu trong người.
Mình nhận ra cái tính “kỳ cục kẹo” này đã được di truyền cho con trai của mình. Mỗi lần đồ đạc bị sai vị trí là “anh ta” đều chỉnh lại cho đúng. Hoặc khi cất đồ đạc thì nhất định phải cất đúng chỗ được lấy ra, nếu để sai là “anh” sẽ nói “sai rồi, sai rồi”. Trong mắt cả nhà, “anh” là người nguyên tắc, còn trong mắt mình thì “ôi con đích thị là bản sao của mẹ rồi”.
Dịu dàng với người lạ, gắt gỏng với người nhà
Với người lạ, mình được đánh giá là ít nói, trông có vẻ hiền lành. Nhưng với người nhà thì mình là một người cực kỳ ghê gớm. Ngoài lý do ảnh hưởng của giọng nói khiến mình “thu người” lại khi ra ngoài thì đây còn là một phần tính cách “kỳ cục kẹo” của mình.
Mình có thể gắt gỏng với tất cả mọi người: mẹ mình, anh mình, em mình, chồng mình, các con của mình và những mối quan hệ thân thiết ở cạnh mình. Nói chung là những người sống cùng với mình thì đều phải chịu cái tính khó ưa này của mình.
Nhớ những năm tháng còn ở nhà, mỗi lần đi học về nhà là một lần mình nổi cơn “tam bành”. Lý do là: đạp xe gần 6km từ trường về nhà trong cái nắng cháy da của miền Trung khiến bản chất “yêu quái” trong mình trỗi dậy. Cứ về đến nhà là nhìn thấy cái gì cũng không vừa mắt, nhìn thấy ai cũng không ưa, làm gì cũng khó chịu. Và vì thế mình trưng cái mặt chằm dầm ra, quát mắng, nạt nộ mọi người cho dù đó là mẹ hay anh trai, em trai, mình đều thái độ hết.
Đến khi lấy chồng, sự khó chịu này chuyển đối tượng sang chồng, con. Bình thường không sao nhưng hễ lên “cơn” là lại quát tháo, nạt nộ, mặt nặng mày nhẹ với chồng con. Nhưng mà mình nghĩ đây không chỉ là thói xấu của một mình mình, mà có lẽ là thói xấu của tất cả các bà mẹ, bà vợ, nên người ta mới ví là “sư tử Hà Đông”.
Tội nghiệp nhất là em gái họ của mình. Em sống cùng mình trong một khu phòng trọ. Mặc dù khác phòng nhưng lại ăn chung và sinh hoạt chung nên thường xuyên phải đối mặt với sự khó chịu của mình. Tính mình thì hay để ý như nói trên, gặp đứa em mình lại vô tư và có phần hơi xuề xòa. Điều này khiến mình rất nhiều lần khó chịu nhưng lại chẳng thể nói ra (vì mình biết đây là cái nết xấu của mình). Không nói được lại càng khó chịu nên em phải sống chung với cái thái độ khó ưa của mình suốt một thời gian dài.
Mình và em rất thân thiết, mình cũng rất thương em, nhưng mỗi lần cái tính xấu của mình trỗi dậy thì mình lại khó chịu, thái độ với em. Cũng may, em và cả gia đình mình đều hiểu nên không có ai chấp nhất cái tính xấu đó của mình.
Không có lập trường, dễ bị tác động
Tính cách này đã được mình nhắc đến trong bài Review que cấy tránh thai Implanon (từ những trải nghiệm thực tế). Khi đang phân vân về các biện pháp tránh thai, mình đã quyết định chọn que cấy sau khi được bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên đó không phải là lần duy nhất thể hiện mình không có lập trường, mà bất cứ trong hoàn cảnh nào mình cũng là người dễ bị tác động.
Ví dụ: Mình từng hâm mộ một chị nhà văn. “Từng” tức là bây giờ không còn hâm mộ nữa, đã chuyển sang ghét cay ghét đắng luôn rồi. Trước đây khi thích thì xem hình người ta thấy vui, đọc trạng thái (trên facebook) của người ta thì hào hứng, chứng kiến gia đình người ta (trên mạng) thì ngưỡng mộ. Nhưng sau khi ghét thì “thở thôi cũng ghét”. Lý do là vì vô tình mình bị lạc vào nhóm anti của chị, chứng kiến người ta “bóc” chị và mình bị lung lay. Thực ra ban đầu không tin lắm, nhưng đọc đi đọc lại, đọc quá nhiều, đọc mỗi ngày thì mình từ fan chuyển sang anti một cách triệt để luôn.
Trong cuộc sống hàng ngày, mình chính là người dễ bị tác động như vậy. Chỉ cần người ta bỏ thời gian, công sức ra để tác động thì mình sẽ bị lung lay. Nhưng với điều kiện những lời nói đưa ra phải có sức thuyết phục nha, chứ không phải ai nói gì mình sẽ nghe nấy (bất chấp đúng sai) đâu.
Xem đi xem lại/nghe đi nghe lại một bộ phim/bài hát yêu thích
Đối với một bộ phim/bài hát mình yêu thích thì mình có thể xem đi xem lại/nghe đi nghe lại hàng ngàn lần mà không biết chán.
Đối với bài hát thì “Nụ hôn gió” là bài mình nghe nhiều nhất và lâu nhất. Đây là bài hát gắn liền với mối tình đầu của mình. Mình thích nó không phải vì nó là ký ức về người yêu cũ, mà là vì giai điệu làm tan chảy trái tim của mình thôi.
Đối với phim thì “Tân dòng sông ly biệt” và “Hậu cung Chân Hoàn Truyện” là 2 bộ phim mình đã “nhai” gần như nát bét. Mình xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần mà không biết chán. Mỗi khi có thời gian rảnh để xem phim hầu như mình đều xem lại trích đoạn của 2 bộ phim này. Dẫu vậy, ngàn lần xem thì cảm xúc vẫn như 1: chỗ nào cần hạnh phúc thì hạnh phúc, chỗ nào đau khổ vẫn đau khổ, chỗ nào hồi hộp thì vẫn hồi hộp như xem lần đầu.
Điều đáng nói nhất là mình rất lười xem phim mới. Nếu như không phải là phim truyền hình xem trên tivi thì nói mình tự dưng tìm phim mới xem là điều không bao giờ. Khi có thời gian, mình sẽ mở lại các list phim cũ, có thể không xem trọn bộ mà chỉ cần xem trích đoạn cũng được rồi.
Vợiu My Nhonl Kỳ Cục Kẹo uj!Nguyễn Tìm này đã Hứa ở Lòng of Mjh la sẽ iu eiu đến khj nào Gjà Ùj Chjt Nó Mớj Chịu Ấy,zj Nàng Ấy Con Hẽm Chịu lm Pà Nhà nũa thj a Chấm Zứa Ngay Từ Đây Cướj Vợ trong Mù Loàj oh nhòa!hạ? ° ..