Khi tìm hiểu “bình yên là gì?”, các bài viết trên mạng đều định nghĩa đó là cảm giác vui vẻ, hài lòng với những gì đang có. Đối chiếu với bản thân, dường như mình đang trải qua những ngày tháng như vậy. Lẽ nào, bình yên dễ dàng sở hữu đến vậy sao?
Bài viết này mình ghi lại cảm giác của mình ở thời điểm này, về những tháng ngày mình cho rằng bình yên. Đồng thời, mình cũng muốn dành cho bạn (những ai đang đọc bài viết này) 2 điều sau:
- Thứ nhất, nhận biết/kiểm tra xem bản thân có đang cảm thấy được bình yên không.
- Thứ hai, nếu chưa bình yên, vậy làm thế nào để có được cảm giác này?
(Cũng như các bài viết khác về tình yêu và cuộc sống, thì những chủ đề này đều được khai thác và nói lên hoàn toàn dựa vào QUAN ĐIỂM CỦA BẢN THÂN MÌNH. Nó đúng và phù hợp với bản thân mình không có nghĩa là nó đúng và phù hợp với tất cả mọi người, bạn đọc xem đây là thông tin tham khảo thôi nhé!)
Biết đủ và hài lòng
Là con người, ít nhiều ai cũng sẽ có tính tham lam. Điều này không hề xấu nếu như nó nằm trong giới hạn cho phép. Thậm chí, khi nghĩ theo chiều hướng tích cực thì sự tham lam còn là yếu tố thúc đẩy con người cố gắng hoàn thiện và phát triển hơn. Nhưng nếu nó vượt giới hạn thì chúng ta khó mà có được sự bình yên (chưa nói tới các tác hại to lớn khác).
Tham lam không chỉ nói đến vấn đề vật chất, tiền tài hay địa vị; mà còn là các khía cạnh về tâm hồn, suy nghĩ, tình cảm,… Đây mới chính là yếu tố tác động và quyết định cảm giác bình yên của con người. Có câu “Một khi lòng người chứa đầy giông bão, sẽ không có nơi nào gọi là bình yên”, vậy mấu chốt của bình yên chính là “lòng người”.
Về mình: Mình thuộc tuýp người sống an phận, vì vậy mình rất dễ hài lòng với những gì mình đang có. Vậy hiện tại mình có gì?
- Về tài sản, mình chưa có nhà, chưa có xe, chưa có bất cứ thứ gì có giá trị. Mình vẫn đang ở nhà thuê, đi xe máy, thu nhập bấp bênh.
- Về tình cảm, mình có gia đình to (bên nội, bên ngoại) và gia đình nhỏ (gồm 4 thành viên), tất cả đều đang tốt đẹp.
Nói thẳng ra là MÌNH CHƯA CÓ GÌ, nhưng mình lại cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Hơn nữa, mình ít khi nghĩ về điều mình chưa có, mà thường nghĩ về những điều mình có. Và mình cảm thấy may mắn khi mình đang có: Nhà nội – nhà ngoại yêu thương; một người chồng chịu khó; 2 đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh; những mối quan hệ “ít nhưng dài lâu” và một công việc phù hợp với người hướng nội như mình.
Nếu đổi lại là người khác, ví dụ như một người em họ thân thiết của mình (thuộc tuýp người năng nổ, cầu tiến) thì sẽ thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán và những gì mình đang có thật chẳng đáng để kể chút nào.
Vậy mới nói, vấn đề chính là góc nhìn, là quan điểm và mức độ hài lòng của từng người. Khi biết đủ và cảm thấy hài lòng thì bất cứ ai cũng sẽ được bình yên, hạnh phúc. Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì rất nhiều người không bằng mình. Thay vì nhìn lên vừa mỏi mắt vừa mỏi mệt, sao không chọn cách nhẹ nhàng là nhìn xuống để cảm thấy những gì mình đang có thật đáng để tự hào và hạnh phúc?
Không vui cũng chẳng buồn
Cảm giác này giống với định nghĩa Languishing – mô tả về trạng thái lơ lửng, trống rỗng của con người. Tuy nhiên đây không phải là điều mình muốn nói.
Mình sẽ nói đến một dạng của bình yên, đó là khi lòng không vui cũng chẳng buồn. Nghe thì không hợp lý lắm, vì lẽ thông thường bình yên gắn liền với cảm giác vui vẻ. Nếu không vui vẻ, liệu có còn an yên?
Con người chúng ta sẽ trải qua mọi cảm giác “hỉ, nộ, ái, ố”, trong đó cảm giác vui – buồn là dễ dàng nhận biết nhất. Vui là trạng thái tinh thần tích cực, thể hiện sự hân hoan, mừng rỡ. Buồn là trạng thái tiêu cực, không hứng thú, biểu hiện phổ biến nhất là u sầu, chán nản và có thể khóc. Vui – buồn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống, có thể là hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Cũng có lúc, vui – buồn cách nhau chỉ gang tấc, vừa vui đó nhưng rồi lại buồn đó, hoặc ngược lại.
Cảm giác vui – buồn rất dễ nhận biết và đã được phân tích như trên. Vậy còn “không vui cũng chẳng buồn” là loại cảm giác gì?
Đó là trạng thái VƯỢT LÊN cảm giác vui – buồn, gọi là tâm thái an nhiên. Để đạt đến cảnh giới này, con người phải LÀM CHỦ được cảm giác của mình và TỰ CHỦ trước những biến động trong cuộc sống. Giống như câu kinh sau:
“Phiền não sanh hoan hỷ
Hoan hỷ sanh phiền não
Không não cũng không hỷ
Thiên thần nên gìn giữ”.
Thông thường, “mất” sẽ dẫn đến buồn, còn “được” sẽ khiến chúng ta vui. Niềm vui, nỗi buồn này đều đến từ bên ngoài, không do chúng ta quyết định. Vậy để an nhiên, chúng ta cần phải luyện tâm cho đến khi “không não cũng không hỷ”. Hay nói cách khác là “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, vui – buồn do chính chúng ta quyết định chứ không phải từ yếu tố bên ngoài. Được như vậy, chúng ta sẽ có bình yên.
Về mình: Vui – buồn của mình hiện đang xoay quanh những gì mình đang có (tình yêu, gia đình, công việc, các mối quan hệ khác,…) nên chưa đạt được cảnh giới an nhiên này. Tuy nhiên, mình cũng đang dần luyện tập để có thể vô nhiễm trước mọi sự được – mất. Mình chưa làm được nhưng vẫn hi vọng những lời lẽ nói trên có thể giúp bạn biết cách để tâm được an nhiên. Thay vì chỉ chăm chú đi tìm niềm vui, thì hãy học cách không vui – không buồn trước mọi vấn đề diễn ra trong cuộc sống.
- Đừng quá kì vọng vào bất cứ ai, bất cứ điều gì, không hi vọng sẽ không thất vọng!
- Không lo lắng về những quy luật của tự nhiên, của cuộc sống, hãy chỉ sống cuộc sống của chính mình!
Bình yên là LỰA CHỌN
Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn, tại sao cảm giác của mình lại để người khác/thứ khác quyết định? Đối diện với một vấn đề, người lạc quan sẽ nhìn thấy sự tích cực, người tiêu cực sẽ cảm thấy mệt mỏi hoặc khó khăn. Chọn cảm giác nào phải xem bạn đang dùng ánh nhìn nào để đối diện?
Ví dụ, bạn đang áp lực với công việc, cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Nhưng bạn lại không biết rằng, có rất nhiều người đang thất nghiệp, họ muốn áp lực giống như bạn cũng không được.
Hoặc bạn đang mệt mỏi vì phải chăm sóc gia đình, con cái, lại không biết rằng nhiều người không có gia đình để chăm sóc, yêu thương.
Hay khi bị phản bội, người thì cảm thấy đau đớn, gục ngã; người lại cảm thấy thật may vì nhìn rõ bộ mặt của một người.
Cuộc sống hàng ngày có vô số các vấn đề như vậy diễn ra, bắt buộc chúng ta phải đối mặt. Chọn cách “vô nhiễm” trước mọi sự đời, hay là đau lòng, buồn bã, chán nản,…? Rõ ràng là do chúng ta chọn, chúng ta đưa ra quyết định.
Về mình: Mình cũng đang có những lựa chọn để có được sự bình yên. Mình không quá mong cầu về những gì mình chưa có và hài lòng với những gì mình có. Đối với những vấn đề xảy ra, mình cũng đang học cách dùng ánh nhìn màu hồng để đối diện với nó. Ví dụ như việc công ty mình gặp khó khăn 2 năm nay, mình đang là một người nội trợ bận rộn, mình vẫn còn đang ở nhà thuê, mình có rất ít mối quan hệ,…
Vì mình chọn sự bình yên nên cách giải quyết của mình chính là mặc kệ, chấp nhận và hài lòng. Chuyện gì xảy ra cũng tốt, không tốt ở thời điểm này cũng sẽ tốt ở thời điểm khác. Giống như điều mình viết ở bài Đã từng, có những thứ khiến chúng ta đau lòng ở thời điểm hiện tại nhưng sự ra đi của một người là để chúng ta gặp được người tốt hơn trong tương lai. Vậy thì, những thứ chúng ta “mất” đi của ngày hôm nay, liệu có phải là tiền đề để chúng ta có “được” những điều tốt hơn hoặc phù hợp hơn trong nay mai không?
Kết luận
Bình yên chính là cảm giác vô hình, là thứ chúng ta không thể sờ, nhìn, nếm, ngửi mà chỉ có thể cảm nhận. Nói đến cảm nhận, thì đó lại là cảm giác của mỗi một người, là thứ mà con người hoàn toàn tự quyết định được. Vậy:
Mình có đang được bình yên không?
Có. HIỆN TẠI mình đang được bình yên. Mình hài lòng với những gì đang có. Tương lai chắc chắn không tránh khỏi “sóng gió”, nhưng LẠC QUAN sẽ đem lại sức mạnh và sự bình yên trong nội tâm. Mình vẫn đang luyện tâm mỗi ngày để được như vậy.
Còn bạn, bạn có cảm thấy bình yên không?
“Không gì có thể mang cho bạn sự yên bình trừ chính bản thân bạn”. Có bình yên hay không, bạn hãy là người đưa ra quyết định nhé!