Bài viết này mình nói về những nhân viên bảo vệ của các cửa hàng – người nắm giữ vai trò đón khách nhưng lại đuổi khách một cách trực tiếp mà các chủ cửa hàng không hề hay biết. Họ là người đầu tiên khách gặp và cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến khách không bao giờ muốn quay lại cửa hàng đó thêm lần nào nữa.
Mình không phải là người khó tính khi đi đến các cửa hàng ăn uống, mua sắm. Nhưng mình có một yếu điểm khi đi ra ngoài, đó là không chạy xe lên lề được (nếu chỗ đậu xe chật hẹp) và khi dắt xe về cũng không dắt kiểu lùi được. Vì vậy mình rất hi vọng khi đến cửa hàng nào đó: một là chỗ để xe rộng rãi để mình dễ đi vào – đi ra; hai là sẽ có bảo vệ để họ giúp mình những điều đó. Vậy mà một số cửa hàng đã khiến mình thất vọng khi bảo vệ có sẵn nhưng họ không sẵn lòng giúp mình, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu khi bắt gặp ánh mắt cầu cứu của mình.
Bảo vệ hay “cửa ải”?
Trong quá trình làm Content Writer, mình đã từng viết bài cho một vài công ty bảo vệ. Nhờ viết mà hiểu, từ hiểu chuyển sang thương. Mình thương cảm đối với những người làm bảo vệ, mình hiểu những vất vả và áp lực của họ.
Chồng mình trong lúc học đại học cũng từng làm nhân viên bảo vệ ca đêm cho một công ty chuyên về công nghệ trong thời gian khá dài. Mình tôn trọng nghề này và tôn trọng cả những người làm nghề này.
Vậy mà, những trải nghiệm của mình với nhân viên bảo vệ trên thực tế lại khiến mình có ác cảm với nghề và với người. Tất nhiên không phải là tất cả nhưng nhiều hơn một lần, nhân viên bảo vệ khiến mình thất vọng và rồi không muốn quay lại cửa hàng đó nữa.
Mọi khó chịu của mình với nhân viên bảo vệ đều xuất phát ở vấn đề họ chẳng những không giúp mình dắt xe mà còn nói những lời khó nghe.
Bác bảo vệ ở quán cafe mình yêu thích
Mình thích quán cafe đó vì gần nhà và không gian thoải mái. Mình và một người bạn thường hẹn gặp nhau tại đó như một thói quen. Hôm nào có bạn thì bạn sẽ là người dắt xe giúp mình, nên mình chưa cần đối mặt với bác bảo vệ. Cho đến một ngày, mình tới trước bạn đến sau, hoặc bạn đến trước mình đến sau, mình đã “cầu cứu” bác bảo vệ. Bác có giúp mình nhưng lại nói lời khó nghe “Đi xe được mà không dắt xe được à?” với giọng điệu rất khó chịu. Không chỉ một lần, mà vài lần sau đó mình đến, bác đều không chủ động giúp mình dắt xe, nếu mình nhờ thì bác sẽ tỏ vẻ mặt khó chịu, lời nói buông ra khó nghe.
Chú bảo vệ ở cửa hàng Bách hóa XANH
Thỉnh thoảng mình và gia đình thường ra Bách hóa XANH gần nhà để mua sắm. Mình thường đi với chồng nên không va chạm gì với nhân viên bảo vệ. Rồi một ngày tự thân xách xe đi ra đó thì mình mới biết rằng chú bảo vệ ở đây khó ưa vô cùng. Lề quá cao trong khi phía trên có quá nhiều xe, chân mình ngắn nếu hụt sẽ bị ngã. Vì vậy mình sợ không dám đi lên, lên tiếng nhờ chú chạy lên giùm. Chú giúp nhưng khó chịu, cũng là câu nói tương tự như bác bảo vệ ở quán cafe “Có cái xe cũng không dắt được”.
Lúc về, mình vừa sợ vừa ghét nên không nhờ dắt nữa. Một mình mình loay hoay mãi mới lôi được xe ra khỏi một đống xe khác. Quan trọng dắt lùi là một thử thách đối với mình, lại còn lùi xuống lề đường khá cao. Chú thấy vậy nhưng vẫn không giúp. Phải như chú đang bận gì thì không nói, đằng này chú ngồi bấm điện thoại. Cuối cùng mình cũng dắt được xe để về, nhưng cũng tự nhủ với lòng là không bao giờ quay lại đây nữa.
Chú bảo vệ của quán cafe nơi văn phòng làm việc của mình
Văn phòng làm việc của mình nằm sâu trong một quán cafe. Chú là bảo vệ của quán cafe chứ không phải của văn phòng mình. Nhưng mình để xe ở quán cafe nên chú sẽ là người trông coi xe của mình và toàn bộ nhân viên của công ty.
Ngày đầu tiên khi đến làm còn bỡ ngỡ biết bao nhiêu, vừa chạy xe vô quán đã bị chú làm cho một trận. Chắc chắn lúc đó chú còn chưa biết mình là nhân viên công ty hay khách quán cafe, vậy mà chú đã thái độ khó chịu rồi. Làm việc một thời gian mình biết, thì ra chú khó chịu với tất cả mọi người chứ không riêng gì mình.
Quay trở lại ngày đầu tiên đi làm, thì lúc về chú đã không dắt xe cho mình dù xe của mình nằm tít bên trong, bên ngoài bị nhiều xe khác chắn. Chú ngồi đó dửng dưng không quan tâm, mặc kệ mình xoay xở. Mình “cầu cứu”, chú lại dắt xe khác ra cho mình lùi, khi mình lùi không đúng ý đã nhăn nhó, khó chịu, lớn tiếng.
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, và từng được nghe người khác khuyên về “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Từ ngày hôm sau đi làm, ngày nào mình cũng dúi cho chú 10K thì kể từ đó trở đi chú đã dễ chịu với mình, dắt xe cho mình và nở nụ cười thân thiện.
Nếu mình đi cafe hay mua sắm mà gặp phải thái độ của chú thì mình không quay lại lần 2. Nhưng vì “miếng cơm manh áo”, mình phải tiếp tục làm việc ở đó thì mình bắt buộc phải chấp nhận và thích nghi.
Con sâu nhỏ, hệ quả lớn
Nhân viên bảo vệ là vị trí quan trọng tại các cửa hàng. Chắc chắn chủ cửa hàng đã biết được vai trò của người bảo vệ thì mới bỏ tiền để thuê họ. Vậy khi trao đổi công việc, chủ cửa hàng có nói với nhân viên bảo vệ rằng nhiệm vụ của họ là dắt xe cho khách hay tươi cười với khách không? Hay chỉ là trông xe, bảo vệ tài sản của cửa hàng và khách hàng?
Thật buồn biết bao nhiêu khi điều tưởng chừng như cơ bản đó lại không có ở những nhân viên bảo vệ. Nhìn đồng phục họ mặc, mình biết họ xuất thân từ những công ty bảo vệ có tên tuổi trên thị trường. Vậy mà họ không được đào tạo kỹ năng mềm trước khi hành nghề, hay có được đào tạo nhưng không vận dụng?
Hay là do mình xui xẻo gặp họ vào đúng lúc họ đang khó ở? Có thể bình thường họ cũng vui vẻ, thân thiện, nhiệt tình nhưng cái hôm mình tới lại đang gặp vấn đề gì khiến họ buồn bực rồi họ bộc phát hết với mình?
Không biết nguyên nhân là gì, nhưng đối diện với sự khó chịu đó mình đã chọn một đi không trở lại. Không phải mình tỏ vẻ “thượng đế” gì đâu, nhưng mình bị tổn thương bởi cái nhăn mặt, nhíu mày, cau có đó cho dù là người dưng. Mình có hàng trăm, hàng ngàn lựa chọn khác, tại sao phải chọn đến một nơi không niềm nở với mình?
Mình nghĩ ai cũng vậy cả thôi, họ sẽ không đặt chân đến một nơi đem đến cho họ một trải nghiệm tệ hại. Nếu không phải là bảo vệ thì có thể do nhân viên phục vụ, chất lượng đồ ăn, thức uống, hoặc do không gian,… Với mình thì nhân viên bảo vệ có thể không phải là yếu tố giữ khách nhưng chắc chắn sẽ là nguyên nhân khiến mình rời đi không hối tiếc.
Nếu những nhân viên bảo vệ mình nói trên chỉ khó chịu với một mình mình thì việc cửa hàng chỉ mất đi một khách hàng là mình có lẽ không đáng kể. Nhưng nếu họ thường xuyên như vậy với các khách hàng khác, vậy cửa hàng đó sẽ bị “tổn thất” lớn như thế nào? Hay ở những cửa hàng khác, nếu họ đang có những nhân viên bảo vệ giống như vậy, làm sao họ “giữ chân” được khách khi ngay ở “cổng lớn” khách hàng đã ác cảm với nhân viên bảo vệ?