Viết bài này bởi vì mình là người sống an phận. Mình cho rằng cách sống này rất ổn cho đến khi vấp phải sự phản đối của một số người. Vì thiếu lập trường nên mình bị tác động và lung lay, rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Cuộc sống như vậy có tốt không? Nên tiếp tục hay thay đổi?
Sống an phận là gì?
An phận là cách sống hoặc tư tưởng bằng lòng, chấp nhận với những gì đang có. Trong đó, “an” có nghĩa là an yên, bình an; “phận” là số phận.
An phận đồng nghĩa với yên phận hoặc thủ phận, thường được nhắc đến trong thành ngữ “an phận thủ thường” (ý nói rằng bằng lòng với số phận và cuộc sống hiện tại).
Người sống an phận thường sẽ có các biểu hiện sau:
- Ngại thay đổi, ngại phấn đấu.
- Sợ khó khăn, áp lực.
- Bằng lòng với những gì đang có.
- Ưu tiên gia đình hơn công việc, sự nghiệp.
Mình có 4/4 biểu hiện trên, là người sống an phận đích thực.
An phận có tốt không?
Như đã nói ở trên, bản thân mình cảm thấy rất tốt. Nhưng khi chia sẻ điều này với mọi người, đa phần sẽ phản đối và cho rằng mình cần thay đổi. Trước khi viết bài này, mình cũng lên mạng đọc qua thông tin thì hầu hết các bài viết đều khai thác khía cạnh không tốt của lối sống an phận. Vậy thật sự thì sống an phận tốt hay không tốt?
Ưu điểm
– Dễ dàng có được cuộc sống bình yên
Ở bài viết Làm thế nào để thật sự được BÌNH YÊN, mình có nói rằng biết đủ và hài lòng chính là một trong những cách tốt nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với sự bằng lòng trong an phận sẽ giúp con người dễ dàng có được cuộc sống an nhiên hơn. “An phận, thân vô sự”, chọn cách sống này bản thân sẽ luôn được nằm trong “vùng an toàn” kể cả tâm hồn lẫn thể chất.
– Biết cách dung hòa các mối quan hệ
Người sống an phận sợ xung đột, cãi vã; thêm nữa họ thường không mấy quan tâm đến các chuyện khác ngoài cuộc sống của mình. Sự bằng lòng với cuộc sống giúp họ có sống điềm đạm, không ghen ghét, đố kỵ, không tranh đấu, giành giật,… Nhờ vậy, các mối quan hệ xung quanh cũng trở nên tốt đẹp hơn, cả về người thân, bạn bè lẫn đồng nghiệp.
– Chăm sóc tốt cho gia đình, con cái
Ưu điểm này thường nói về phụ nữ, khi mà việc nhà và chăm sóc con cái gần như gắn liền với họ. Nếu là người sống không an phận, họ sẽ dành thời gian và tâm trí để phát triển, vươn lên, thay đổi và hoàn thiện. Còn ngược lại, người sống an phận vì không cần cố gắng, không cần phát triển nên thời gian còn lại sẽ dành cho gia đình.
Tác hại của sống an phận
– Kìm hãm tiềm năng
Con người ai cũng có những tiềm năng đang được ẩn giấu, qua quá trình học tập, làm việc mà được phát hiện. Nhưng người sống an phận, vì không muốn phấn đấu, không đấu tranh, không học hỏi,… nên những tiềm năng đó mãi mãi không thể phát huy, sử dụng.
– Mất cơ hội phát triển, thành công
Quy luật sống luôn là tiến về phía trước, con người cũng vậy. Thế giới không ngừng thay đổi, con người cũng cần đổi thay để thích nghi và phát triển. Nhưng người an phận lại chọn “giẫm chân tại chỗ”, không thể nào phất lên được. Trong học tập, sẽ không có được những kết quả tốt. Trong cuộc sống, không có được những điều tốt đẹp. Trong công việc, không có sự phát triển, cầu tiến mà có thể chỉ có sự ổn định.
– Thường chịu thua thiệt và có phần vô cảm
Người an phận không thích sự đấu tranh, mà thường chọn cách ôn hòa để giải quyết tất cả mọi thứ. “Dĩ hòa vi quý” là tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, sự bằng lòng và thái độ ôn hòa này sẽ khiến người sống an phận chịu thua thiệt.
Ngoài ra, ở một số hoàn cảnh khác, người an phận sẽ bị đánh giá là vô cảm. Vì sợ thị phi, sợ đấu tranh, sợ mất lòng,… mà họ chọn cách tránh xa những điều này, vô tình trở thành kẻ vô cảm mà có khi chính họ cũng không biết.
Kết luận
Sống an phận không phải là tính cách mà là lựa chọn của mỗi người, trong đó có mình. Có thể cuộc sống hiện tại của mình khá tốt (theo kiểu “nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình”) nên mình hài lòng và tiếp tục duy trì nó. Nhưng nếu lỡ có một ngày, những điều mình đang có không còn nữa, thì liệu mình có thể an phận như bây giờ được hay không?
“Vật chất quyết định ý thức”, mình tin là như vậy. “Vật chất” mình chưa có gì lớn lao, nhưng không phải là thiếu thốn. Với người bình thường như mình thì chỉ cần không đói, không rét, mọi thứ bình bình yên yên thì đã gọi là ĐỦ rồi. Còn những người sống an phận khác thì sao, họ có giống như mình không nhỉ?