Kẻ yêu nhiều trong tình yêu

Tình yêu thì không phải là cuộc chiến, nhưng thật trái ngang vì ai yêu nhiều thì người đó sẽ thua. Khi tình yêu kết thúc, người yêu nhiều sẽ nhận về rất nhiều nỗi đau, nhiều tổn thương không gì bù đắp được. Cùng ở trong cùng một mối tình, tại sao khi bước ra, có kẻ như được giải thoát, còn có người lại suy sụp, “sống dở chết dở”?

2 hôm trước, Facebook của mình có người lạ nhắn tin đến. Em là H (con trai), giới thiệu rằng là bạn của em gái mình (tên B). Em nhắn nhờ mình chuyển lời tới B gọi lại cho em có việc gấp. Một lúc sau em lại nhắn là B nợ tiền của em nên em liên lạc để đòi lại.

Đọc đến đây mình ngay lập tức hiểu ra vấn đề: H là người yêu của B, sau khi chia tay thì B chặn nên H không liên lạc được. H trở thành kẻ “điên tình” tìm kiếm B như để vớt vát lại chút gì đó. Khi níu kéo bất thành, H chuyển sang đòi nợ B. Thực ra mình hiểu, H không hề muốn lấy lại tiền của B, chẳng qua H đang cần một cái cớ để liên lạc, để nói chuyện, để níu kéo B.

B lúc này đã quên H rồi (theo như lời B nói với mình thì “em đã yêu thêm được mấy anh rồi”) nên trở thành người tàn nhẫn, lạnh lùng, vô tình. B nói mình là chặn H đi, B không quan tâm H nói cái gì và không muốn liên lạc với H nữa. Nhưng mình lại không làm vậy. Mình cảm thấy thương H dù không biết H là ai, có phải là người tốt không, có làm gì có lỗi với em mình không,… Chỉ vì cảm nhận được H chính là kẻ yêu nhiều trong chuyện tình của HB, mình đồng cảm và tội nghiệp em rất nhiều.

Có lẽ vì mình nhìn thấy bóng dáng của mình trước đây ở hành động của H bây giờ, nên là mình tội nghiệp em, rồi viết bài này. Hi vọng ai ở trong tình yêu khi đọc bài viết này sẽ biết cách giữ lại một chút gì đó cho mình, để rồi nếu lỡ có chia tay vẫn có thể ung dung bước ra khỏi cuộc tình và tìm hạnh phúc mới.

Không được yêu lại nhiều

Kẻ yêu nhiều trong tình yêu 1

Tình yêu không hề tồn tại sự công bằng. Bạn yêu nhiều không có nghĩa mặc định người kia cũng yêu lại bạn tương đương. Giống như 2 câu thơ trong bài thơ “Yêu” của Xuân Diệu:

“Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu;

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”

Nếu như quy luật của cuộc sống là “Cho đi để nhận lại nhiều hơn”, thì trong tình yêu hoàn toàn ngược lại. Kẻ cho đi thật nhiều với hi vọng sẽ nhận lại sự chân thành của đối phương, thì ngược lại, đối phương sẽ xem đó như là điều hiển nhiên. Ban đầu, có thể họ cũng cảm động rồi trân trọng, nhưng lâu dần hình thành thói quen (chỉ biết nhận) rồi trở nên ích kỷ, vô tâm.

Trở thành kẻ yếu thế

Kẻ yêu nhiều trong tình yêu 2

Bạn biết không, khi yêu quá nhiều, ta không chỉ mất người, mà còn đánh mất chính mình.

Như đã nói ở trên, yêu nhiều sẽ khiến đối phương xem đó là điều hiển nhiên, vậy thì mấy ai còn cảm thấy quý giá để trân trọng? Hơn nữa, một mối quan hệ mà một người yêu nhiều – một người yêu ít đã làm mất đi sự cân bằng, dần dần trở nên có khoảng cách. Tệ nhất, kẻ yêu nhiều trở thành người lệ thuộc cảm xúc, và đương nhiên khi mối quan hệ đi đến kết thúc thì họ sẽ trở thành người níu kéo.

Vậy còn đánh mất chính mình thì sao? Kẻ yêu nhiều thường sẽ “hi sinh” sở thích, thói quen, tính cách của bản thân để phù hợp với người mình yêu. Lâu dần, họ không còn là chính họ nữa. Họ quên bản thân, quên đi cuộc sống của mình, bỏ quên những mối quan hệ khác, những cơ hội khác,… để cuối cùng nhận lại sự vô tâm từ người mình yêu. Cho đến khi mối quan hệ này đi đến đoạn kết, họ lại mất đi sự tự tôn, kiêu ngạo của mình để níu kéo một người không còn yêu mình.

Định sẵn trở thành kẻ thua cuộc

Kẻ yêu nhiều trong tình yêu 3

Lúc yêu nhau đâu có ai tính toán thắng – thua. Ai cũng nghĩ sẽ yêu thật nhiều, yêu chân thành, sống hết mình với tình yêu. Nhưng thời gian sẽ làm thay đổi tất cả và thời gian sẽ cho biết kẻ yêu nhiều của ngày hôm nay sẽ thất bại ra sao trong nay mai.

Bạn có xem phim “Về nhà đi con” không? Khi Thư và Vũ ký vào hợp đồng hôn nhân, Thư biết rõ sẽ không được phép có tình cảm với Vũ. Vậy mà một thời gian chung sống, Thư lại yêu Vũ, trong khi Vũ chỉ xem cô là vợ hợp đồng. Ngay khi nhận ra tình cảm của mình, Thư đã biết mình là kẻ thua cuộc. Cô yêu anh nhưng anh lại không hề yêu cô, hoặc nếu có thì tình cảm đó cũng cách rất xa với tình cảm của cô. Mặc dù cái kết hai người yêu nhau nhưng thời gian đầu khi Thư phát sinh tình cảm, rõ ràng cô đã rất thiệt thòi, chịu nhiều tổn thương và ấm ức.

Hay như câu chuyện của H và B, nhìn vào sẽ thấy H thua cuộc thảm hại như thế nào. Trong khi B đang tận hưởng cuộc sống tự do, yêu đương với những người khác, quên đi chuyện tình với H; thì H gặm nhấm quá khứ, đau đớn với hiện tại. Tuy không nhìn thấy nhưng nghĩ đến cảnh H đang tìm kiếm những mối quan hệ quanh B để hi vọng họ trở thành cầu nối giúp kết nối lại với B, mình cảm thấy xót xa cho em vô cùng.

Sau khi em nhắn tin cho người này đến người nọ kêu B trả tiền không được. Em lại chủ động chuyển khoản cho B. Có lẽ em nghĩ khi B nhận được số tiền này sẽ nhắn tin lại cho em, hoặc chuyển khoản trả lại em thì giữa hai người ít nhất cũng có sự tương tác.

Mình biết, H đang phải chịu bạo lực lạnh. Mình cũng đã từng trải qua tình trạng này. Nó đáng sợ hơn rất nhiều so với các loại bạo lực khác. Sự im lặng của đối phương không phải là để xoa dịu tình hình, mà chính là ngọn lửa đang thiêu đốt những kẻ yêu nhiều trong tình yêu.

Viết bài này, mình không có ý nói rằng kẻ yêu nhiều luôn đúng và người ra đi là sai. Bởi đôi khi chính cái sự yêu nhiều đó trở thành lý do khiến cuộc tình chấm dứt. Kẻ yêu nhiều chỉ biết yêu và đòi hỏi được yêu, trong khi đối phương lại cảm thấy ngạt thở với sự quan tâm đó, với tình cảm đó.

Trong tình yêu, không có công thức nào để biết rằng làm sao người đó mãi yêu mình, làm sao để duy trì tình yêu này mãi mãi. Yêu nhiều thì rồi cũng kết thúc, mà yêu ít chắc gì đã giữ được “lửa” yêu. Vừa vặn là tốt nhất, nhưng làm sao để biết được tình cảm cho đi đủ dùng? Mình 33 tuổi đã trải qua nhiều mối tình nhưng vẫn phải bỏ ngỏ đối với câu hỏi này. Còn bạn thì sao?