Không phải đánh đập, chửi mắng mới là bạo lực. Đôi khi, sự im lặng còn đau đớn hơn bất cứ hình thức tra tấn nào. Người ta gọi đó là bạo lực lạnh.
Thường thì cuộc sống hàng ngày phổ biến các loại bạo lực như: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục,… Còn bạo lực lạnh thì ít khi được nhắc đến nhưng lại tồn tại rất nhiều ở các gia đình, trong các mối quan hệ yêu đương. Bài viết này mình viết về bạo lực lạnh trong tình yêu, và mình đã từng là nạn nhân của nó.
Bạo lực lạnh: im lặng hay bạo hành?
Những người sử dụng hình thức bạo lực lạnh luôn tự cho rằng sự im lặng của họ là để đối phương bình tĩnh lại và để cả hai có khoảng lặng nhìn nhận lại vấn đề. Điều này là đúng, là hợp lý với điều kiện người còn lại cũng đồng ý. Còn khi một bên muốn nói cho ra lẽ, muốn giao tiếp, muốn tương tác 2 chiều nhưng đổi lại sự im lặng thì đó chính là bạo hành.
Mình từng ở trong một mối quan hệ như vậy. Anh người yêu của mình có sự điềm tĩnh đến đáng ghét. Mỗi lần có xung đột, cãi vã, anh sẽ chọn cách im lặng. Còn mình thì ngược lại, mình muốn phải nói cho ra dù kết quả có thể không đâu đến đâu. Nhưng anh thì không, lần nào cũng vậy, anh sẽ im lặng và anh có khả năng im lặng trong thời gian rất dài.
Lúc đầu, anh im lặng có thể là vì anh không biết nói gì, không biết giải thích ra sao, không biết dỗ dành, hoặc chính anh cũng có phần giận mình. Nhưng về sau anh hiểu tính của mình, đó là khi tức giận thì cần phải nói chuyện, thì anh đã xem bạo lực lạnh là một chiêu thức để “trừng trị” mình.
Rất nhiều lần anh thừa nhận rằng, vì anh biết mình sẽ phát điên khi liên lạc với anh không được nên anh sẽ: không xem tin nhắn, không nhận cuộc gọi, mất tích gần như hoàn toàn. Và đúng như anh muốn, mình phát điên phát rồ, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Trước tình trạng đó của mình, anh cảm thấy hả hê.
Nhiều lần khác, anh không thừa nhận việc im lặng là bạo hành. Anh lấy lý do “để em bình tĩnh rồi nói”, “nói lúc nóng giận được gì đâu”. Nhưng mình đã nói với anh rất nhiều lần rồi, sự im lặng của anh khiến mình “lên cơn” chứ không hề có tác dụng trấn an hay giữ bình tĩnh.
- Thứ nhất, im lặng đồng nghĩa với việc thừa nhận những điều mình nghĩ, mình nói là đúng.
- Thứ hai, im lặng nghĩa là anh không quan tâm tới cảm xúc mình, bỏ mặc mình.
- Thứ ba, im lặng KHÔNG THỂ NÀO giải quyết được vấn đề, chỉ khiến suy nghĩ của mình đi xa hơn.
- Thứ tư, im lặng lâu ngày sẽ tạo khoảng cách, và cũng có thể đi đến kết thúc.
Anh biết điều đó, nhưng anh vẫn chọn cách im lặng và để mình một mình đối diện với sự ngột ngạt, bức bối đến ngạt thở.
Ở bài viết Kẻ yêu nhiều trong tình yêu mình có đề cập đến chuyện tình của H và B. H đang phải chịu bạo lực lạnh từ B, tức là cố gắng bằng mọi cách cũng không thể liên lạc. H đã từng tìm về nhà B nhưng níu kéo bất thành. Không liên lạc được với B, H đã nhắn tin cho rất nhiều bạn bè của B trên Facebook nhưng vẫn không thể kết nối với B. Bất lực, H chuyển khoản cho B với hi vọng B sẽ nhắn lại hoặc chuyển khoản lại để có sự tương tác. Mình thấu hiểu sự “điên loạn” và bất lực của H lúc này, nhưng mình tin tình trạng này sẽ không diễn ra quá lâu. Bởi vì đối diện với bạo lực lạnh, không một trái tim bình thường nào lại không bị thương tổn rồi “chết” dần.
Chuyện HB đưa vào bài viết này là để làm minh chứng cho trường hợp bạo lực lạnh. Mình không có ý nói rằng B tàn nhẫn, B làm như vậy là không đúng. Bởi mình không rõ câu chuyện của HB, không biết vì sao 2 em lại có kết cục này. B cũng nói với mình chặn liên lạc là cách duy nhất, bởi còn liên lạc thì H sẽ còn hi vọng, trong khi với B thì tình yêu này đã hoàn toàn chấm dứt.
Bạo lực lạnh mình muốn nói đến là trường hợp 2 người còn yêu nhau, đối phương dùng sự im lặng để bạo hành người còn lại. Giống như mình và người yêu cũ, hoặc giống như các cặp đôi khác trên đời này, trên danh nghĩa là người yêu, là yêu thương nhưng lại im lặng để trừng phạt, im lặng và không quan tâm.
Cách bạo lực lạnh “giết chết” một trái tim
Giai đoạn đầu của bạo lực lạnh thật khiến người ta khổ sở. Trong phim Câu chuyện Hoa Hồng, nhân vật Hoa Hồng đã bị Trang Quốc Đống bạo lực lạnh. Lúc đó anh đang đi công tác ở nước ngoài, cô thì ở trong nước. Hai người cãi nhau qua máy tính vốn dĩ không dễ dàng gì, vậy mà Trang Quốc Đống tức giận cắt hết liên lạc. Hoa Hồng ở bên này bất lực không biết phải làm như thế nào. Cô gọi điện cho anh một cách điên cuồng trong vô vọng. Cô gọi điện cho các khách sạn mà cô nghĩ người yêu cô đang ở đó. Lúc này, cô chỉ muốn kết nối với anh, để nghe anh nói, để nói ra những suy nghĩ trong lòng hoặc chỉ để cãi nhau thôi cũng được. Nhưng cô không thể nào liên lạc được với anh, sau đó điên loạn đập phá đồ đạc và không thể kiểm soát chính mình.
Lúc xem đoạn này mình cảm giác như không thở được, bởi mình nhìn thấy chính mình ở đó. Mình chưa từng có hành động điên loạn như Hoa Hồng, nhưng cảm xúc mình trải qua thì không thua kém cô ấy. Mình thương cho cô ấy, rồi mình tức giận luôn Trang Quốc Đống (như tức giận người yêu mình). Mình đã mong cho cô ấy vượt qua giai đoạn này, để rồi sau này khi Quốc Đống có muốn quay lại thì cũng KHÔNG BAO GIỜ CÓ CƠ HỘI NỮA.
Trong phim, sau khi bạo lực lạnh kết thúc, Quốc Đống tìm đến Hoa Hồng và hai người làm lành. Nhưng về sau, Hoa Hồng cũng quyết định chia tay anh. Lý do lúc này không phải vì bị bạo lực lạnh mà là vì anh chọn sự nghiệp và “giấc mơ Pháp”, coi nhẹ tình cảm với Hoa Hồng. Nhưng để đi đến quyết định này thì trước đó chắc chắn cô đã phải trải qua những ngày tháng kinh khủng khi bị bạo lực lạnh, để rồi cô nhận ra người đàn ông này không xứng với tình cảm của cô.
Mình cũng vậy, bạo lực lạnh thật sự đã “giết chết” trái tim nhỏ bé này. Thời gian đầu mình chưa quen, chưa chấp nhận được nên điên cuồng để kết nối và sống những ngày ngột ngạt. Nhưng về sau, sự việc diễn ra liên tục, mình chai sạn và cảm thấy chán nản. Mình nhận ra rằng thực ra anh ấy không yêu mình nhiều, anh ta yêu bản thân anh ta hơn. Và anh ta coi sự im lặng đó chính là cách để trừng trị mình mỗi khi mình không hiểu chuyện, không “ngoan”, không theo ý anh ta.
Tại sao khi bị bạo lực thể chất hay tình dục thì chúng ta lên án? Còn bạo lực lạnh lại phải chấp nhận như một điều đương nhiên? Chẳng lẽ chúng ta cũng cho rằng sự im lặng là để cả hai bình tĩnh? Nhưng nếu chúng ta không bình tĩnh được, ngược lại còn “lên cơn” hơn, vậy bạo lực lạnh chẳng phải là một cách bạo hành hay sao?
Bạo lực lạnh không thể “giết chết” tình yêu ngay lập tức, nhưng nó làm cho tình cảm bị lụi tàn theo thời gian. Đến một lúc nào đó, nạn nhân của bạo lực lạnh sẽ biết rằng mình phải làm gì để tự “cứu” lấy bản thân mình. Người ta có thể không yêu thương mình, nhưng chính mình sẽ phải yêu thương lấy mình. Người tàn nhẫn bạo lực lạnh với mình thì không xứng đáng để yêu.