Mình sinh 2 đứa nhưng chỉ đến khi sinh đứa thứ 2 mình mới biết cảm giác đau đẻ là gì. Ngoài đau đẻ mình còn trải qua cảm giác đau mổ nữa. Bạn có tò mò muốn biết nỗi đau này trông như thế nào đúng không? Đừng rời khỏi bài viết này nhé, mình sẽ miêu tả nỗi đau này một cách chân thực và sinh động nhất ngay bây giờ.
Người ta ví đau đẻ giống như việc bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Mình thì chưa bị gãy xương sườn bao giờ nên không biết nó đau như thế nào, nhưng đau đẻ thì mình biết rất rõ. Một lần trải qua cơn đau đẻ đã khiến mình khiếp sợ và sợ đẻ cho đến tận bây giờ.
Đôi chút về quá trình sinh đẻ của mình
Mình sinh đứa thứ nhất năm 2016 và đứa thứ hai năm 2018. Tiện đây bạn có thể xem thêm bài viết Có nên đẻ dày không? Lời khuyên của người trong cuộc để hiểu hơn về cái sự đẻ dày của mình. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, đẻ dày còn ảnh hưởng đến mức độ đau đẻ nữa đó.
Đứa thứ nhất mình được bác sĩ chỉ định ngày sinh, tức là chưa đau đẻ nhưng đã đẻ. Lý do là vì mình không sinh thường được (do xương chậu hẹp), đằng nào cũng phải mổ nên bác sĩ đã chọn trước ngày mổ cho mình. Do vậy mình không biết đau đẻ là gì hết, sinh đẻ lúc đó đối với mình sao mà nhẹ nhàng đến thế.
Nhưng đứa thứ hai thì khác, mình chuyển dạ trước ngày dự sinh. Đúng ra bác sĩ hẹn mình đi khám lại thêm một lần nữa rồi bác sĩ hẹn ngày mổ, nhưng vì em bé nóng lòng ra trước nên chưa đến ngày khám lại đã phải đi đẻ rồi. Và lần này mình đã ĐƯỢC trải nghiệm cảm giác đau đẻ mà người phụ nữ nào cũng phải trải qua ít nhất một lần trong đời.
Tường thuật về cảm giác đau đẻ của chính mình
– Đau trước khi đẻ
4h sáng ngày 26/02, mình cảm thấy đau bụng lâm râm rất khó chịu. Mặc dù chưa đến ngày dự sinh nhưng linh tính báo cho mình biết rằng mình sắp đẻ đến nơi rồi. Mình gọi chồng dậy và cả hai khăn gói đi vào bệnh viện.
Đến nơi, các cơn đau bắt đầu tăng dần lên nhưng cảm giác lúc này chưa có gì ghê gớm cả. Mình vẫn đau lâm râm, hơi khó chịu, cảm giác giống như đau bụng của những ngày tới kinh nguyệt.
Sau khi chồng mình làm xong thủ tục nhập viện, mình được đưa vào khu cấp cứu bên trong. Lúc này mình và chồng phải tách ra, chồng ở ngoài và mình thì phải vào trong một mình. Đây là điều mình không thích một chút nào hết, giá như có chồng ở bên cạnh thì mọi nỗi đau đều được vơi bớt đi chút nào. Mình vào đó một mình, cơn đau cùng sự lạnh lẽo của bệnh viện khiến mình cảm thấy cô đơn và rất tủi thân. Phải như chồng mình ở bên cạnh mình lúc đó, thì mình có thể ấm lòng hơn và cũng có thể để anh cảm nhận được sự vất vả của mình khi sinh con cho anh.
Mình cảm thấy cô đơn và sự lạnh lẽo cũng chính là một trong những yếu tố khiến cảm giác đau tăng lên nhiều hơn. Nếu bạn nào sinh đẻ mà được chồng ở bên nắm tay, động viên như trong phim thì chắc sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm, và các cơn đau lúc ấy dường như đang được sẻ chia bớt phần nào.
Lúc bước vào trong có lẽ là hơn 6h sáng, mình bắt đầu trải qua các đợt thăm khám liên tục để xem “cửa mình” đã mở mấy phân. Đến giờ mình vẫn không hiểu tại sao mình sinh mổ mà phải kiểm tra xem tử cung mở mấy phân để làm gì. Dẫu vậy mình vẫn như một con mèo ngoan ngoãn làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ.
Sau đó mình được đưa vào nằm trên giường trong một phòng có nhiều nhiều sản phụ sắp sinh giống mình. Mình phải nằm im để theo dõi tim thai. Lúc đầu mình còn nằm im để đo được, nhưng cỡ 7h trở đi cơn đau bắt đầu tăng dần thì mình nằm ngọ nguậy không yên. Một lúc sau mình bị vỡ nước ối nhưng vẫn chưa được đi đẻ, vẫn phải nằm đó chờ đợi điều gì mình cũng không rõ nữa. Mình không hỏi nhưng mình đoán có lẽ bác sĩ mổ cho mình vẫn chưa xong việc.
Cơn đau càng lúc càng tăng nhanh và mạnh. Nó không đau dồn dập mà đến theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau có lẽ từ 5 – 7 phút. Cảm giác đau lúc này rất khó chịu, khó tả, ngoài đau đẻ ra thì mình chưa bao giờ phải trải qua cơn đau như vậy. Mình nằm quằn quại trên giường, ngồi không được, nằm không được, mỗi lần cơn đau đến là phải gồng mình lên chịu đựng. Mình khóc và kêu bác sĩ liên tục, nhưng không ai đoái hoài tới mình cả. Bởi đây là điều bình thường mà bác sĩ phải chứng kiến hàng ngày, đối với mình thì ghê gớm nhưng đối với các bác sĩ thì chẳng có gì to tát hết.
Mình nằm đó không bác sĩ nào quan tâm hết nhưng các bạn thực tập thì hỏi thăm dồn dập. Đang đau đến phát khóc nhưng các bạn xúm tụm lại hỏi mình: là ai, ở đâu, sinh đứa thứ mấy, sao lại sinh mổ,… Lúc đó vì lịch sự nên mình trả lời, nhưng khi cơn đau ập đến thì mình phải cầu xin các bạn “chị đau lắm, các bạn đừng hỏi nữa được không?”.
Lúc này mình chỉ biết cầu trời khấn phật để mình được đi đẻ nhanh nhanh mà thôi. Nhưng 1 tiếng, 2 tiếng, rồi 3 tiếng trôi qua thì mình mới được đưa đi đẻ. 1 giây, 1 phút lúc này dài tựa như mấy ngày, nghĩa là 3 tiếng trôi qua mình cảm giác như mấy năm. Mặc dù mình biết đẻ xong sẽ trải qua cảm giác đau mổ nữa nhưng dù vậy mình cũng chỉ muốn được bế đi ngay lập tức.
Cầu được ước thấy, mình đã được đưa đi vào phòng mổ lúc 10h. Nhưng mà quãng đường đưa đi đẻ cũng thật là dài, dù mình không đủ tỉnh táo để quan sát xem nó có thật sự dài không. Các cơn đau cứ thế dồn dập, mức độ mỗi ngày một mạnh hơn, đặc biệt là mỗi lần đi đến chỗ xóc.
Đến phòng mổ nhưng chưa được mổ, mình tiếp tục phải chờ đợi ở bên ngoài khá lâu. Mình nghiến răng chịu đựng nhưng nước mắt cứ trào ra không ngừng. Thi thoảng kêu lên “Em đau quá bác sĩ ơi” nhưng có ai để ý tới đâu.
Đến lúc được đưa vào đẻ thì hộ sinh phát hiện ra mình đã “ị” và kêu lên “Trời ơi muốn ị sao không nói?”. Mình ngơ ngác, mình còn không biết mình “ị” lúc nào nữa mà sao mà nói. Chắc là “ị” lúc đau nên không phân biệt được là đang đau đẻ hay đang “ị”.
Cuối cùng mình cũng được đẩy phòng vào sinh rồi, nhưng chưa được mổ đâu nha. Bác sĩ cùng các hộ sinh lúc đó còn làm rất nhiều các thủ tục khác nữa. Nhất là thủ tục gây tê tủy sống trước khi sinh. Thủ thuật này giúp các mẹ sinh mổ không có cảm giác đau khi mổ lấy thai. Nhưng quá trình gây tê cũng ớn lắm chứ không nhẹ nhàng gì. Mình sẽ phải ngồi khom lưng kiểu như con tôm (đang đau mà ngồi kiểu vậy phải gọi là cực hình), rồi bác sĩ dùng một cây kim mảnh và dài xuyên qua đường ống cột sống, sau đó tiêm thuốc gây tê tại chỗ. Chắc là 1 phút sau mình đã cảm nhận được tác dụng của thuốc tê rồi. Cơn đau biến mất và mình được nằm xuống để tiến hành mổ lấy thai.
– Đau sau khi mổ đẻ
+ Ở phòng hồi sức
Đối với các mẹ sinh thường thì sau khi đau đẻ sẽ phải trải qua cơn đau thấu trời khi may tầng sinh môn. Mình chưa từng trải qua cảm giác này nhưng mình có thể tượng tưởng ra nó khủng khiếp như thế nào – cảm giác dùng kim may lại da thịt mà không có một chút thuốc gây tê nào. Mình hỏi một vài người đã sinh thường thì họ nói: cảm giác may tầng sinh môn còn đau gấp mấy lần cảm giác đau khi đẻ. Vậy là mình biết nó khủng khiếp như thế nào rồi.
Còn mình, trong và sau khi sinh mình không đau, không có cảm giác gì hết. Chỉ khi thuốc tê hết tác dụng (khoảng gần 2 tiếng sau) thì mình bắt đầu mới đón tiếp những cơn đau như muốn chết đi sống lại.
Lần thứ 2 mình đã chuẩn bị tinh thần trước, rằng sau khi được đưa ra khỏi phòng mổ và đến phòng hồi sức thì mình sẽ phải chịu đựng cơn đau cùng sự cô đơn trước khi trở về phòng bệnh gặp con và gia đình. Vì vậy, mức độ đau khi sinh mổ lần 2 dù mạnh mẽ hơn lần 1 nhưng do đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên cũng vơi bớt đi chút nào.
Khi thuốc tê hết tác dụng là lúc các cơn đau kéo đến. Bạn nghĩ xem khi mình bị xước một chút ở da thôi đã đau rồi, vậy thì khi mổ lấy thai sẽ mổ 3 lớp da (da bụng, mô cơ và tử cung) thì cảm giác đau sẽ như thế nào? Trong khi đó vết mổ dài từ 12 – 17cm thì cơn đau phải gấp bao nhiêu lần so với các vết thương khác?
Cơn đau lúc này dồn dập, liên tục chứ không phải từng đợt như đau đẻ. Nằm im cũng đau, cựa quậy thì đương nhiên càng đau, thậm chí thở thôi cũng đau nữa. Mặc dù lúc này các bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau nhưng mình chẳng thấy xi nhê gì cả, đau vẫn cứ đau vậy thôi.
Thỉnh thoảng bác sĩ lại kiểm tra xem tình hình mình như thế nào, và mình sợ nhất là lúc bác sĩ ấn bụng mình. Đau đến nỗi mình chỉ cầu mong bác sĩ đừng lại gần, và nếu bác sĩ sắp tới thì cầu xin ngay “Ôi bác ơi đừng ấn bụng, em đau quá”. Nhưng xin vậy thôi, dĩ nhiên là bác sĩ vẫn ấn như thường rồi.
Tương tự như trước khi đẻ, khi một mình (không có người thân bên cạnh) nằm trong căn phòng lạnh lẽo là khi mình cảm thấy cơn đau tăng nhiều lên. Nằm ở phòng hồi sức, dù xung quanh có rất đông người nhưng mình vẫn cảm thấy cô đơn vô cùng. Mình nóng lòng muốn được gặp con, mình muốn được ở bên gia đình. Nhưng lúc nào cũng vậy, cả hai lần mình đều phải nằm trong phòng hồi sức rất lâu. Giá như lúc đó mình được ở bên con thì có lẽ cảm giác đau sẽ vơi bớt đi đôi chút khi nhìn thấy con bình an chào đời. Nhưng mà Bệnh viện Từ Dũ nơi mình sinh thì không được như vậy, còn nơi khác có được hay không thì mình không biết.
Sau khoảng 4 – 5 giờ nằm ở phòng hồi sức, mình được đưa về phòng bệnh để gặp con và gia đình. Quãng đường đi từ phòng hồi sức đến phòng bệnh lại cũng rất xa (do mình nóng lòng muốn gặp con nên cảm giác vậy). Và những đợt xóc khiến mình đau thấu tận trời xanh nữa. Nhưng mỗi lúc nghĩ tới sắp được gặp con khiến cơn đau nhẹ bẫng đi đôi phần.
+ Ở phòng bệnh
Ơn giời, cuối cùng mình cũng đã được về phòng bệnh – nơi có con yêu và gia đình mình đang chờ đợi rồi. Lúc này mình còn đau không? Dĩ nhiên là vẫn đang rất rất rất, vô cùng đau nha. Lúc ở phòng hồi sức dư âm của thuốc tê vẫn còn, còn khi về phòng là thuốc tê không còn một chút nào nữa, lúc này đây mới thật sự là cuộc chiến vượt qua nỗi đau của mình. Nhưng như đã nói ở trên, tâm lý tác động một phần đến cảm giác đau, lúc này mình hạnh phúc khi gặp con nên nỗi đau được nhẹ đi đôi chút (chỉ đôi chút thôi).
Lúc ở phòng hồi sức mình được thông nước tiểu nên đi tiểu lúc nào không hề hay biết. Nhưng về phòng bệnh thì mình được rút ra. Lúc này đi tiểu là một việc vô cùng khó khăn. Mình muốn đi tiểu nhưng lại không thể đi được. Rút kinh nghiệm từ đợt đẻ đầu tiên rằng nằm sẽ không thể nào tiểu được, nên lần này dù rất đau mình vẫn cố gắng ngồi dậy để đi. Mình cố gắng lắm mới đi được vài bước thì bỗng trời đất quay cuồng và sụp đổ trước mắt, mình nhận thấy một màu đen đang bao trùm. Mình khó thở và thều thào nói với người nhà mình rằng mình không nhìn thấy được gì nữa hết, mình không thở được nữa rồi. Bác sĩ chạy lại, đưa nước cho mình uống, hướng dẫn mình cách thở và yêu cầu mình quay trở lại dường bệnh nằm nghỉ tiếp. Nhưng mình vẫn rất muốn đi tiểu, nếu không đi được sẽ rất là khó chịu, cơn đau vì thế sẽ không thể nào thuyên giảm.
Nhưng nghe lời bác sĩ, mình cố gắng chịu đựng. Sau đó mình lại tiếp tục để dậy đi tiểu, nhưng không đi vào nhà vệ sinh nữa (vì xa) mà cố gắng ngồi dậy khỏi giường, tiểu ngay đó. Thật may là sau một hồi cố gắng thì mình cũng đã đi tiểu được.
Bác sĩ khuyên người đẻ mổ phải tập vận động và đi lại để tránh dính ruột và nhanh hồi phục hơn. Mình nghe lời bác sĩ nên dù đau lắm cũng cố gắng ngồi dậy và tập đi. Dĩ nhiên ban đầu chỉ cần ngồi được dậy thôi cũng cảm thấy giỏi rồi, vì lúc này đau lắm, cười nói cũng đau, thậm chí nằm im cũng rất đau. Nhưng khoảng 3 ngày trôi qua thì mình đã có thể đi lại nhẹ nhàng nhờ sự giúp đỡ của người nhà mình.
Ngoài đau vết mổ thì khi ở giường bệnh mình còn trải qua cảm giác đau ngực, đau tay và khó chịu vì muốn đi vệ sinh nhưng không đi được.
- Đối với đi vệ sinh: Đi tiểu như mình đã nói ở trên, vốn đã rất vất vả rồi thì đi nặng còn khó hơn rất nhiều lần như thế. Mình phải đi rất nhiều, ngồi rất lâu thì mới có thể đi nặng nữa. Hình như phải mất 3 ngày thì mình mới có thể đi nặng được. Sau khi đi xong thì cảm giác nhẹ bẫng người, cơn đau và sự khó chịu vì vậy cũng giảm bớt đi.
- Đối với đau ngực: Ngực mình nhỏ lắm, sữa thì ít nhưng vẫn bị tắc tia sữa, vậy mới hài. Nhưng cũng may mình chỉ bị tắc nhẹ thôi, và hình như chỉ bị 1 ngày là hết. Vậy nhưng mình vẫn cảm thấy đau, căng và tức ngực, nói chung là một cảm giác vô cùng khó chịu. Đau tức ngực cộng với đau do vết mổ, rồi khó chịu do không đi vệ sinh được khiến mình cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
- Đối với đau tay: Hình như trước lúc tiêm mình được bác sĩ lấy ven cố định và truyền nước gì đó mình không rõ hơn. Gọi là ven cố định vì nó được lấy một lần và sử dụng cho mấy ngày liền. Từ lúc vào nhập viện cho đến lúc gần ra viện mình mới được tháo ven ra, và lúc nào cũng phải truyền nước gì đó. Mình để ý thì thấy chỉ có người sinh mổ mới phải truyền nước sau sinh, còn người sinh thường thì hình như không. Bạn biết không, sự có mặt của một cái kim trên tay rất khó chịu, làm gì cũng vướng víu, cử động mạnh là đau. Nhưng đau nhất phải kể đến là những lúc bị tắc ven hay tắc đường truyền gì đó, nói chung là nước truyền không thể đi vào cơ thể, máu sẽ chảy ngược trở ra. Lúc này bác sĩ sẽ lại thắt dây để máu chảy trở vào và nước cũng theo đó chảy vào trong. Mỗi lần bác sĩ lại thắt dây là mỗi lần mình chảy nước mắt. Cảm giác đau lắm, đau nhói rất khó chịu.
+ Lúc về nhà
Sau 1 tuần thì mình được xuất viện về nhà (đẻ mổ phải ở lại bệnh viện lâu hơn so với đẻ thường). Lúc này mình đã có thể đi lại nhẹ nhàng được rồi mặc dù vẫn còn khá đau. Và có lẽ phải gần 1 tháng thì cơn đau mới thật sự gọi là thuyên giảm, mình có thể đi lại bình thường, cười nói và vận động nhẹ nhàng.
Bài viết này mình sử dụng “hình như” và “có lẽ” hơi nhiều bởi vì có rất nhiều thứ mình đã quên mất rồi. Thứ nhất là do mình không để ý nên không nhớ được. Thứ hai là do sau sinh mình bị mất trí,đã quên rất nhiều thứ. Tuy nhiên, riêng cảm giác đau đẻ thì mình vẫn nhớ như in, chỉ là mình không thể diễn tả như thế nào để một người chưa từng trải qua có thể hiểu được. Nhưng đối với những người đã từng trải qua thì có lẽ chỉ nghe tới chữ “đẻ” thôi là họ đã cảm nhận được rõ ràng các cơn đau diễn ra như thế nào.
Đánh giá của mình về cảm giác đau đẻ
Đó là: Đau, rất đau, vô cùng đau, đau kinh khủng khiếp. Đời mình chưa từng trải qua cơn đau nào dữ dội như là đau đẻ.
Nhưng mà rất XỨNG ĐÁNG.
Bởi vì đau nên mình mới có 2 đứa con đáng yêu như bây giờ (không đẻ, không đau thì lấy đâu ra con).
Vì vậy, đau vậy chứ đau nữa thì vẫn cảm thấy xứng đáng.
Sau khi sinh đứa thứ 2 xong mình từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ đẻ nữa. Nhưng bây giờ (sau hơn 3 năm đẻ) thì mình đã có ý định sinh thêm đứa thứ 2, thứ 3. Dĩ nhiên không phải là mình đã hết sợ đẻ mà là mình cảm thấy nỗi đau đó giống như là phần thưởng hơn. Không phải ai cũng may mắn được trải qua nỗi đau đó. Sau khi chịu đựng được nỗi đau này thì chúng ta sẽ có được món quà vô giá – đó là đứa con máu mủ, ruột rà của mình được bình an chào đời.
Tóm lại thì mình cảm thấy ông trời còn ưu ái cho mình lắm khi mình chỉ chịu cơn đau đẻ khoảng 6 tiếng và vết đau mổ khoảng 1 tháng. Nhiều người còn phải chịu cơn đau tận mấy ngày trời sau đó mới sinh được, họ đúng thật là siêu nhân.
Hi vọng với những chia sẻ của mình về cảm giác đau đẻ và đau mổ sẽ giúp bạn – những người chưa từng sinh đẻ biết được cơn đau đẻ trông như thế nào, từ đó chuẩn bị sẵn tâm lý. Đừng quá lo lắng bởi vì phụ nữ chúng ta đều là các siêu nhân, bình thường có thể trông yếu đuối nhưng lúc đó vì con mà sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả. Như đã nói ở trên, cơn đau chính là phần thưởng mà ai vượt qua thì sẽ có quà. Vì món quà to bự nhất cuộc đời này, hãy cố gắng, mạnh mẽ vượt qua nhé!