Đó là lời khẳng định của một người đàn bà đã quyết định lấy chồng vào năm 24 tuổi – chính là mình. Khi lấy chồng, mình không hề biết rằng thời điểm này là quá sớm. Chỉ khi bước vào cuộc sống hôn nhân rồi thì mình mới ước giá như mình có thể lấy chồng muộn hơn một chút.
Lấy chồng khi nào gọi là sớm?
Trước tiên mình sẽ nói qua về thời điểm lấy chồng – một chủ đề chắc chắn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng dưới 20 tuổi lấy chồng mới gọi là sớm. Nhưng có người lại cho rằng dưới 25 (mình nằm trong số này). Cũng có những người cho rằng trước 30 tuổi mà kết hôn vẫn còn sớm quá. Qua đó có thể thấy, sớm hay muộn không phải do số tuổi quyết định, mà nằm ở chỗ bạn đã sẵn sàng hay chưa.
Mình lấy chồng vào năm 24 tuổi – thời điểm mà mình chưa sẵn sàng về cả tinh thần lẫn kiến thức. Vậy tại sao mình lại quyết định lấy? Dĩ nhiên chẳng có ai dí dao vào cổ mình ép cưới cả, là chính mình tự nguyện cưới.
Người ta khi quyết định lấy chồng, đa số sẽ nằm trong các lý do sau:
- Rất muốn về chung 1 nhà với người mình yêu thương;
- Muốn yên bề gia thất;
- Bác sĩ bảo cưới;
- Bố mẹ mong muốn;
- Áp lực từ những người xung quanh (thường những người từ 25 tuổi trở đi sẽ phải đối diện với áp lực này);
- …
Còn với mình, lý do cưới chính là: Bố chồng mình muốn cưới.
Nếu đã đọc qua bài viết Ngang nhiên “sống thử” trước mặt bố mẹ người yêu & cái kết thì hẳn là bạn cũng đã biết trước khi cưới mình đã có một thời gian dài ở trong nhà của anh người yêu. Mặc dù sống chung với gia đình anh nhưng mình chưa từng nghĩ sẽ cưới sớm như vậy. Mình tin kết thúc giữa mình và anh sẽ là một cái đám cưới nhưng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ đến vào năm mình 24 tuổi. Nói chung thời điểm đó mình yêu thì yêu nhưng tuyệt nhiên chưa nghĩ gì đến việc cưới xin.
Vậy mà đùng một cái, bố anh hỏi cưới mình cho anh. Mình lúc đó chỉ biết đồng ý thôi chứ không biết làm gì khác. Nói thật là mình chẳng nghĩ gì cả, cho rằng sớm hay muộn cũng cưới thì cưới lúc nào chẳng được. Hơn nữa, mình với anh lúc đó tuy chưa cưới nhưng sống với nhau có khác gì vợ chồng đâu chứ.
Thêm một sự trùng hợp bất ngờ nữa là: Mình có bầu. Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân của đám cưới, bởi vì bố mẹ chồng mình không hề hay biết chuyện này. Bạn bè, anh em, hàng xóm và cả nhà mẹ của mình đều cho rằng cưới vội như vậy thì đích thị là do có bầu rồi. Nhưng tại đây mình vẫn khẳng định thêm một lần nữa: Mình có bầu trước cưới nhưng đám cưới không phải để chạy bầu.
Tóm lại thì mình vẫn quyết định cưới và cưới vào năm 24 tuổi. Đối với nhiều người (đa số là những phụ huynh lớn tuổi vẫn giữ quan niệm xưa) thì 24 tuổi xem ra hơi hơi muộn một chút, vì đối với họ qua 25 được xếp vào hàng ế rồi. Còn đối với những người trẻ, tư tưởng hiện đại thì 24 tuổi là độ tuổi còn quá sớm để kết hôn. Còn với mình như đã nói ở trên, khi quyết định cưới thì không nghĩ gì đến sớm hay muộn, chỉ khi cưới rồi mới biết mình đã lấy chồng quá sớm.
Lấy chồng sớm, sẽ khổ sớm
Như lời của một bài hát nào đó mình không nhớ tên: “Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”.
Những người đang yêu nhau thường mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, họ chỉ nhìn thấy màu hồng trong bức tranh đó mà thôi. Họ nghĩ rằng lấy nhau về sẽ được ở bên nhau cả ngày, cùng nhau trải qua mọi vui buồn, cùng nhau vun đắp một gia đình nhỏ đầy hạnh phúc. Điều này có nhưng chỉ là mặt trước của hôn nhân. Còn mặt sau của hôn nhân là những màu đen chỉ những người trong cuộc mới nhìn thấy. Đó là:
- Cơm, áo, gạo, tiền
- Con cái
- Mối quan hệ với mẹ chồng
- Thời gian
- …
Cuộc sống hôn nhân rất khác so với cuộc sống độc thân khi hai người đang yêu nhau. Những gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền khiến cho những mơ mộng thời còn yêu biến mất nhanh chóng. Những tưởng cùng “góp gạo thổi cơm chung” thì tiết kiệm hơn, nhưng không, lấy nhau rồi sẽ có vô số khoản có tên và không tên khiến cho lương bao nhiêu cũng thành ít. Đặc biệt, sự xuất hiện của con trẻ sẽ khiến cho cuộc sống nếu vốn đã khó khăn thì nay còn khó khăn gấp bội. Thiếu thốn về vật chất có thể vui vẻ cùng nhau vượt qua, nhưng “cuộc chiến” giữa mẹ chồng – nàng dâu thì ai nấy cũng đều ngán ngẩm. Trước khi cưới ai cũng nghĩ mình sẽ yêu mẹ chàng như mẹ mình, nhưng lấy về rồi mới biết “khác máu tanh lòng”, có những bức xúc, tủi hờn, cãi vã mà phận làm dâu chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trong khi những bạn bè cùng lứa tuổi với mình đang quần quần áo áo, son son phấn phấn, đi chơi, đi du lịch, hưởng thụ cuộc sống, làm chủ thời gian… thì nhìn lại mình: quần áo xộc xệch, mặt mày nhợt nhạt, suốt ngày con cái, bỉm sữa, cơm nước, thời gian để thở còn không có làm gì dám mơ đến những thứ xa xỉ như đi chơi, làm đẹp cho bản thân. Chính lúc này đây là lúc người phụ nữ cảm thấy hối hận nhất vì đã lấy chồng sớm và ước rằng nếu thời gian quay lại sẽ không bao giờ lấy chồng ở độ tuổi này.
Chỉ khi bước vào hôn nhân rồi người ta mới cảm thấy quý lắm 2 chữ “tự do”. Trước đây khi chưa lấy chồng thì không biết trân trọng và hưởng thụ. Khi lấy chồng rồi thì thời gian cũng phải nằm trong điều ước. Như mình chẳng hạn, khi chưa lấy chồng thì ngày cuối tuần hoặc ngày lễ luôn có một sự lựa chọn duy nhất đó là đi về nhà người yêu chơi – một nơi mà sau này bước vào thì phải ở đó suốt cả cuộc đời. Sau khi lấy chồng rồi, quanh năm suốt tháng ở nhà chồng thì mới ước được như ngày xưa, nếu có lại những ngày thứ 7, chủ nhật thời trước thì mình nhất định sẽ đi ăn, đi chơi, đi cafe, đi gặp gỡ bạn bè, đi làm đẹp hoặc đơn giản là ở nhà làm những điều mình thích. Nhưng thời gian làm gì quay lại được, những điều đó chỉ có thể đến trong giấc mơ mà thôi.
Ở nhà với bố mẹ, mình là nàng công chúa. Đi làm dâu nhà người, mình chẳng khác gì một osin cấp cao. Việc nhà, việc “nước” phải đảm trong khi ở độ tuổi của mình thì còn quá trẻ để có thể sắp xếp chu toàn mọi thứ. Ở nhà nếu làm sai thì chẳng sao cả, sai có thể sửa. Nhưng ở nhà chồng mà làm sai thì hàng trăm ánh mắt đổ dồn, chỉ cần nghe tiếng thở dài thôi cũng khiến mình phải phát sợ. Mà thậm chí ngay cả khi chưa ai nói gì thì chính nỗi sợ cũng đã khiến mình cảm thấy áp lực từng giây, từng phút.
Lấy chồng muộn, sẽ khổ muộn?
Ai rồi cũng sẽ phải trải qua cuộc sống hôn nhân, sinh con đẻ đái, chăm sóc gia đình và sống chung với mẹ chồng. Người thì cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhưng người lại cảm thấy hối hận – như mình chẳng hạn, lý do là vì sao bạn biết không?
Nói về mình trước, là vì mình lấy chồng quá sớm, khi mình chưa hề sẵn sàng một chút nào. Mình lấy chồng quá bất ngờ, bản thân mình chưa hề có một sự chuẩn bị nào hết cho cuộc sống mới. Sau khi lấy chồng xong mình liên tục sinh nở khiến mình thích nghi không kịp với sự thay đổi xoèn xoẹt này. Chưa biết cách làm vợ, làm dâu mà giờ đây lại phải gánh thêm vai trò làm mẹ. Cùng một lúc cáng đáng quá nhiều vai trò khiến cho bản thân không thể nào hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào.
Ở độ tuổi 24, có người khi đó trông đã “già dặn” về kinh nghiệm sống và đối nhân xử thế thì mình thật sự dại dột và nếu nói ngu ngốc thì cũng không sai. Mình vừa mới ra trường chưa học hỏi được bất cứ điều gì đã vội về làm dâu nhà người. Mình không biết cách nói chuyện, không biết lấy lòng người lớn, không biết ứng xử với mọi tình huống diễn ra tại nhà chồng. Và vì thế mình mất điểm. Khi đã mất điểm, bản thân mình trở nên tự ti và sợ hãi, chính tâm trạng này khiến mình làm gì cũng áp lực và dễ gây ra sai sót. Bản thân mình mệt mỏi trong khi nhà chồng cảm thấy không hài lòng, cuộc sống mỗi ngày diễn ra như vậy rất đáng sợ.
Bước qua tuổi 26, mình đã làm mẹ của 2 đứa trẻ. Trong khi ở độ tuổi này có người vẫn còn như con chim tự do tung cánh bay ngoài trời thì mình đã 2 nách 2 đứa. Sự vất vả khi phải chăm con nhỏ cộng với sự kìm hãm về thời gian khiến mình mỗi ngày phải trải qua nhiều lần phát điên, phát rồ. Nếu như mình có kinh tế thì mọi sự vất vả đó sẽ được sẻ chia, và việc đẻ 2 con liên tục như vậy sẽ không trở thành vấn đề ám ảnh mình lúc bấy giờ.
Nhưng mình – kinh tế không có, kinh nghiệm sống là con số 0, còn có quá nhiều thứ chưa thực hiện được… nên cuộc sống vất vả và luôn cảm thấy ân hận về quyết định lấy chồng sớm.
Nhưng nếu là người khác, họ lấy chồng khi họ đã sẵn sàng, kinh tế ổn định, đã tích lũy được vốn sống kha khá, đã thực hiện hết mọi mong muốn của bản thân… thì có lẽ khi lấy chồng, có con cuộc sống của họ sẽ không áp lực và khổ sở như mình. Khi họ sẵn sàng và có chuẩn bị để bước vào cuộc sống hôn nhân, họ sẽ dễ dàng để thích nghi và sống tốt. Khi họ có kinh tế thì những vất vả trong việc nhà, việc chăm sóc con cái thì mọi chuyện sẽ được giải quyết bằng tiền. Khi họ đã dành nhiều thứ cho bản thân (làm đẹp, đi chơi, tận hưởng) trước khi cưới thì khi lấy chồng những thứ đó không khiến họ cảm thấy thèm khát. Và khi họ đã có kinh nghiệm sống thì những chuyện ứng xử, đối đãi với nhà chồng sẽ không làm khó được họ. Họ sẽ được lòng mọi người nhà chồng và chu toàn được mọi thứ, thì cuộc sống của họ sẽ không có áp lực nữa.
Cũng như mình của thời điểm hiện tại – không còn quá áp lực, khổ sở như những năm mới cưới. Mình của bây giờ đã 29 tuổi, để nói rằng hoàn thiện và xuất sắc thì chưa nhưng so với những năm “chập chững” bước vào nhà chồng thì mình hiện tại đã tự tin và có cuộc sống tốt hơn hẳn. Mình đã biết cách thích nghi với cuộc sống nhà chồng, biết cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp. 2 đứa con của mình cũng đã lớn, mình đã quen với việc chăm sóc tụi nó và cảm thấy hạnh phúc với nỗi vất vả này. Kinh tế của hai vợ chồng mình không được gọi là khá nhưng cũng đủ để tụi mình có một cuộc sống đầy đủ hơn so với trước kia. Thời điểm này, mình cũng đã có thời gian dành cho bản thân (làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, vui chơi…) nên không còn mơ ước quay lại thời niên thiếu để vui chơi cho thỏa thích.
Mình của bây giờ mới chính là mẫu người làm vợ, làm mẹ và làm con dâu lý tưởng. Mình đã sẵn sàng và có kinh nghiệm. Với tinh thần và kinh nghiệm ấy mình tin mình sẽ có một cuộc sống hôn nhân hoàn hảo nếu đây là những ngày đầu.
Nhưng không, mình đã lấy chồng năm 24 tuổi – độ tuổi mà chưa sẵn sàng về bất cứ một điều gì. Để đến năm 29 tuổi khi mình đã sẵn sàng thì mình đã trải qua gần 7 năm cuộc sống hôn nhân. Trải qua gần 7 năm hôn nhân, mình thấu hiểu sâu sắc một điều rằng:
Lấy chồng ở độ tuổi nào không quan trọng và nó không quyết định đến hạnh phúc của người phụ nữ. Điều quan trọng nhất để quyết định đó là SỰ SẴN SÀNG. Sẵn sàng về tinh thần, kiến thức (làm vợ, làm mẹ, làm dâu) và sẵn sàng về kinh tế. Chỉ khi nào đã sẵn sàng về những điều đó thì người phụ nữ mới có được sự khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân thuận lợi. Đến lúc này thì những khó khăn hay vất vả nếu tìm đến, họ sẽ biết cách xử lý êm xuôi, hoặc ít nhất là biết cách chấp nhận trong vui vẻ như một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu chưa sẵn sàng thì họ sẽ than vãn, hối hận giống như mình hoặc thậm chí có nhiều người không chịu đựng được sẽ từ bỏ. Đó là điều đau đớn nhất không ai muốn, nhưng lại buộc phải lựa chọn khi không thể nào chịu đựng được nữa.
Mình mong muốn không ai phải chịu đựng điều này. Hôn nhân là điều tốt đẹp mà chúng ta tìm và hướng đến, nhưng chỉ vì sự chưa sẵn sàng của mình mà khiến nó trở thành địa ngục thì thật không đáng. Vì vậy, mình hi vọng những ai đọc được bài viết này:
- Nếu đã sẵn sàng bước vào cuộc sống hôn nhân, thì xin chúc mừng bạn!
- Nếu chưa sẵn sàng nhưng đã bước vào hôn nhân giống mình, thì hãy cố gắng lên vì sẽ có ngày bạn sẽ sẵn sàng giống như mình bây giờ thôi.
- Nếu đang chuẩn bị lấy chồng trong khi chưa sẵn sàng thì hãy khoan, cho mình thêm một vài năm nữa để hoàn thiện và sẵn sàng, thì hôn nhân khi đó sẽ giống như là quả ngọt mà bạn chờ đợi bao lâu nay.
Mình hi vọng chúng ta – tất cả những người phụ nữ đã, đang và sẽ phải lấy chồng luôn luôn hạnh phúc, vui vẻ. Nếu hiện tại chưa hạnh phúc, vui vẻ thì hãy mạnh mẽ vượt qua vì “cầu vồng sẽ xuất hiện trong cơn mưa” – giống mình hiện tại chẳng hạn.