Có nên đẻ dày không? Lời khuyên của người trong cuộc

Mình là một người mẹ đẻ dày (3 năm 2 đứa), mình tin những trải nghiệm thực tế của mình sẽ giúp bạn biết được có nên đẻ dày hay không.

Nhắc đến vấn đề đẻ dày mình biết sẽ có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Thường thì câu trả lời sẽ được chia thành 2 phái. Một phái đồng ý và một phái kịch liệt phản đối. Nếu bạn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tốt nhất là hãy hỏi những người đã trải qua – như mình là một ví dụ.

Đẻ dày là gì?

Có thể nhiều người không biết nên mình nghĩ cần thiết phải giải thích về nghĩa của từ “đẻ dày”.

Đẻ dày tức là sinh con 1 năm 1 đứa hoặc 3 năm 2 đứa. Như mình là 3 năm 2 đứa. Đứa thứ nhất sinh ngày 7/9/2016, đứa thứ 2 sinh ngày 26/2/2018.

Nói về thời điểm mang thai đứa con tiếp theo tốt nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Khoảng cách giữa lần sinh này với lần mang thai tiếp theo nên cách nhau ít nhất 18 tháng. Nếu người phụ nữ nào mang thai đứa tiếp theo (chứ không phải thời gian sinh) ít hơn con số này thì được xem là đẻ dày.

đẻ dày 1

Đẻ dày có hại như thế nào?

– Sách báo nói:

  • Tăng nguy cơ sinh non;
  • Trẻ sinh ra có nguy cơ thiếu cân;
  • Mẹ dễ bị tiền sản giật, thiếu máu, tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai;
  • Mẹ dễ gặp các biến chứng như thủng tử cung, nhiễm trùng… khi sinh;
  • Trẻ sau sinh dễ bị tự kỷ (đứa sau);
  • Người mẹ quá mệt mỏi, bận rộn dẫn đến stress;

– Thực tế của chính mình

Thật may mắn vì phần lớn các trường hợp trên đã không rơi vào mình. Chỉ có trường hợp cuối cùng là có thật, nhưng mình nghĩ không chỉ có đối với các mẹ đẻ dày mà bất cứ bà mẹ nào cũng có. Mình thật sự rất mệt mỏi và bận rộn, nhưng chưa đến mức bị stress. Đằng sau những vất vả ấy mình vẫn cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi mình có các con.

+ Khi mang thai:

Cả 2 lần mang thai mình đều sinh mổ. Sau khi sinh xong đứa thứ nhất, bác sĩ dặn mình “phải 3 – 5 năm sau mới được mang thai lại nha”. Ấy thế mà đùng một cái mình mang thai đứa thứ 2 khi đứa thứ nhất mới được vài tháng tuổi. Lúc đó mình đi khám ở một phòng tư gần nhà, các bác sĩ ở đó nói rằng mình nên bỏ đứa trẻ này đi vì mang thai lại quá sớm cơ thể mình không thể chịu đựng được.

Nhưng mình không muốn bỏ, mình đã quay trở lại tìm bác sĩ khám và đỡ đẻ cho mình lần trước. Bác nói rằng có thai lại quá sớm sẽ nguy hiểm cho mình và em bé, vì lúc này vết mổ của mình chưa lành lặn hoàn toàn. Tuy nhiên bác sĩ vẫn bảo mình yên tâm, bác sẽ giúp cho mình “mẹ tròn con vuông”.

Trong suốt thời gian mang thai, mình đi khám liên tục vì lo sợ. Mình được bác sĩ khuyên ăn thật nhiều thịt bò để vết mổ dày lên. Cuối thai kỳ, bụng mình quá nặng, bác sĩ lo sợ vết mổ bục nên đã yêu cầu mình đeo dây đỡ bụng. Cuối cùng, 9 tháng sau mình đã sinh em bé thứ hai một cách an toàn và khỏe mạnh.

đẻ dày 2

So với đứa thứ nhất, lần mang thai đứa thứ 2 của mình ngoài tâm lý lo sợ ra thì mình cảm thấy cũng giống như đứa thứ nhất. Có lẽ do cơ địa của mình khỏe mạnh nên không gặp vấn đề gì to tát, chứ người khác ngay cả khi mang thai đứa đầu tiên cũng gặp rất nhiều vất vả rồi. Do vậy, đẻ dày có hại như thế nào khi mang thai cũng còn tùy thuộc vào từng người nữa. Không thể nhìn vào trường hợp của người khác để suy đoán về trường hợp của chính mình. Tốt hơn hết nên hỏi bác sĩ và tự đánh giá dựa vào sức khỏe của chính mình.

+ Sau khi sinh:

Đối với đứa thứ 1: Đó là sự thiệt thòi không gì có thể bù đắp được

Sau khi có thai đứa thứ 2, mình đã để đứa thứ 1 cho ông bà nội. Mình và chồng dọn ra ngoài ở trọ (gần chỗ làm) và chỉ về thăm con vào cuối tuần.

Đứa thứ nhất của mình đã phải:

  • Cai sữa mẹ khi chưa được 5 tháng;
  • Xa mẹ khi chưa được 6 tháng;
  • Làm chị khi chưa được 1 tuổi.

Đứa trẻ chưa được 1 tuổi thì làm chị như thế nào? Ngay cả việc ăn, ngủ còn phải có người chăm lo thì làm sao có thể làm chị đúng nghĩa?

đẻ dày 3

Mình đã từng rất yêu, rất thương, rất nhớ và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho đứa con gái đầu tiên của mình. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở hai chữ “đã từng” và diễn ra trong thời gian rất ngắn. Sau khi sinh thì mọi tình yêu thương đổ dồn vào đứa trẻ thứ hai hết. Đối với đứa chị, mình vẫn yêu, vẫn thương, vẫn nhớ nhưng tình cảm ấy đã bị sẻ chia mất rồi.

Một thời gian sau khi hai đứa đã lớn, mình đã mang đứa chị lên ở cùng mình. Mình nghĩ rằng mình sẽ phải bù đắp cho con thật nhiều. Nhưng sự thật thì vì con là chị nên con tiếp tục sẽ phải chịu thiệt thòi. Vì là chị thì phải nhường em, thương em và hiểu chuyện. Nhưng đó là điều không thể khi chị chỉ là đứa trẻ lên 3, lên 5 và lớn hơn em chỉ 1 tuổi. Và vì thế con tiếp tục bị chửi, bị đánh và bị ép phải nhường nhịn, yêu thương em.

Đối với đứa thứ 2: Đó là tình yêu thương chưa được trọn vẹn

Đứa sau luôn được yêu thương hơn đứa trước, đó là điều chắc chắn. Nhưng đứa sau của những gia đình đẻ dày thì yêu thương đó không được trọn vẹn. Bởi vì con không được hưởng tình yêu thương của người anh/người chị liền kề trước đó với mình.

đẻ dày 4

Nếu như anh/chị em cách nhau từ 3 – 5 năm hoặc hơn thì đứa em chắc chắn sẽ là “bảo bối” của cả gia đình. Không chỉ được bố mẹ yêu thương, đứa em còn được người chị/người anh trước đó của mình yêu thương và đùm bọc.

Nhưng đứa em của một gia đình đẻ dày thì không có được sự trọn vẹn ấy. Bởi vì người anh/người chị suy cho cùng cũng chỉ là một đứa trẻ chỉ hơn mình có vài tháng đến 1 tuổi thì làm sao biết cách bộc lộ yêu thương? Nhất là khi các con còn ở cột mốc dưới 5 tuổi thì đánh nhau, giành đồ của nhau đó là chuyện hết sức bình thường.

Gia đình khác thì mình không biết, còn gia đình mình thì: Chị đánh em, em đánh chị. Chị giành đồ của em, em giành đồ của chị. Chị luôn luôn “tố giác” chuyện sai của em và cười khoái chí khi thấy em bị đánh hoặc phạt.

Đẻ dày có lợi không?

Thật sự là CÓ nha. Một người từng trải như mình khẳng định rằng đẻ dày cũng có những mặt lợi đáng để bạn cân nhắc.

Thứ nhất, vất vả một lần rồi sau này sướng

Nói về vất vả thì không cần kể nhiều mọi người vẫn có thể hình dung ra được. Chăm một đứa trẻ vốn đã rất cực thì chăm hai đứa trẻ nỗi cực đó được nhân 2, nhân 3. Tuy nhiên khi thời gian cực khổ qua đi thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Đó là lúc bạn không còn phải lo lắng về chuyện sinh con đẻ cái trong thời gian tới nữa (nếu kế hoạch của bạn là “dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”). Đó là khi bạn nhìn thấy người khác đang bầu bí hoặc con bồng con bế thì bạn đã thảnh thơi để đi chơi và làm đẹp cho mình.

đẻ dày 5

Thứ hai, tận dụng và siêu tiết kiệm

Đẻ xong đứa thứ nhất bạn sẽ có rất nhiều đồ dùng không cần dùng đến như: đồ bầu, quần áo trẻ em, máy vắt sữa, ghế ăn dặm, xe đẩy,… Nếu đem cất thì chật chỗ mà cho đi thì sau này khi sinh đứa thứ hai sẽ phải sắm lại rất tốn kém. Nhưng nếu bạn sinh đứa thứ hai gần với đứa thứ nhất thì bạn sẽ tận dụng được tất tần tật những thứ đó.

Ngoài ra, việc chăm sóc hai đứa trẻ gần tuổi nhau cũng dễ và tiện hơn. Ví dụ, hai chị em có thể cùng nghe chung một câu chuyện, có thể cùng xem một bộ phim, ăn cùng một kiểu, uống cùng loại sữa,…

Thứ ba, vừa là anh/chị em, vừa là bạn bè

Mình viết bài này vào thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành cả nước (24/7/2021). Thời điểm này mình mới cảm nhận được rõ ràng đẻ dày có lợi như thế nào.

2 tháng nay 2 đứa nhỏ không được đến trường cũng không được ra khỏi nhà chơi vì tránh dịch. Nếu như mình chỉ có một đứa lớn thôi thì thời điểm này con sẽ đáng thương đến mức nào? Người lớn chơi với con dù thế nào cũng không thể nào vui bằng việc hai đứa trẻ tự chơi với nhau.

Thật vậy, nhìn nhiều gia đình chỉ có một đứa con mình cảm thấy thật tội nghiệp. Không phải vì đứa trẻ đó không được quan tâm, mà vì con không có bạn chơi cùng. Trong khi đó nhìn lại hai đứa trẻ nhà mình, mặc dù đánh nhau thường xuyên nhưng có chị có em chơi với nhau thật sự rất vui vẻ.

đẻ dày 6

Thứ tư, mẹ quen với nỗi vất vả

Bạn chỉ cảm nhận được điều này khi bạn nghỉ đẻ một thời gian dài và bắt đầu cảm thấy ngại đẻ, sợ đẻ. Như mình lúc này đây, khi 2 con đã lớn thì mình lúc này chỉ muốn được tận hưởng chứ không muốn đẻ. Bây giờ nghĩ lại cảnh mang bầu, đẻ và chăm con mình thật sự rất sợ hãi. Bỗng nhiên mới nhận ra quyết định đẻ dày của mình trước đây đúng đắn biết nhường nào.

Đẻ dày tức là đẻ đứa thứ hai khi bạn vẫn đang phải vất vả chăm đứa thứ nhất. Lúc này bạn đã quá quen với nỗi vất vả ấy rồi thì việc chăm thêm đứa thứ hai không gặp quá nhiều khó khăn (so với việc cách nhau một thời gian dài mới đẻ lại). Hơn nữa những kinh nghiệm chăm trẻ con lúc này bạn vẫn còn nhớ như in, chứ để lâu theo thời gian bạn sẽ quên đi cho đến khi đẻ lại lại giống như mới đẻ lần đầu.

Tóm lại, có nên đẻ dày không?

Hy vọng bạn sẽ tự quyết định dựa trên những chia sẻ của mình về mặt lợi và hại. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” không ai giống ai cả. Sức khỏe của mỗi người là hoàn toàn khác nhau và hoàn cảnh của mỗi người cũng không giống. Như mình, mình có sức khỏe tốt và mình có gia đình bên nội chăm con phụ. Do vậy việc đẻ dày đối với mình có vất vả nhưng mình lại cảm thấy xứng đáng.

Tất nhiên có nhiều lúc mình cảm thấy ân hận vô cùng và mình ước giá như thời gian quay lại thì mình sẽ không đẻ dày để rồi khổ mẹ, tội con. Nhưng sau tất cả, khi nhìn lại hai đứa con và nhìn vào cuộc sống hiện tại thì mình thấy quyết định của mình chưa bao giờ sai.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *