Sau khi MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy công chiếu, mình thêm khẳng định rằng mình đã yêu mảnh đất này từ bao giờ. Là mình lụy một bài hát hay là vốn dĩ Bắc Ninh đã trở thành “quê hương thứ 3” của mình?
Quê quán của mình ở Hà Tĩnh, mình sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Từ năm 2010 đến nay mình vào Sài Gòn học, lấy chồng và nhập khẩu tại đây. Bắc Ninh là quê của chồng mình, tuy nhiên gia đình anh đã chuyển hẳn vào “thành phố hoa lệ” sinh sống từ khá lâu. Ở Bắc Ninh, nhà chồng mình chỉ còn một chút đất đai và anh em họ hàng bên nội – bên ngoại. Bố chồng mình thì năm nào cũng về quê ít nhất một lần. Mẹ chồng thì ít hơn, chỉ khi có công việc mới về. Còn mình và chồng nếu về chỉ vào dịp tết, vài năm về một lần. Kể từ khi lấy chồng tới nay, mình về Bắc Ninh tổng cộng chỉ có 3 lần (tính cả lần cưới), mỗi lần về sẽ ở khoảng nửa tháng tới gần một tháng. Chỉ vậy thôi nhưng mảnh đất này khiến mình yêu đến lạ. Có phải là vì “yêu nhau yêu cả đường đi” hay là Bắc Ninh có gì đặc biệt để người con miền Trung này đem lòng yêu mến?
(Trong bài viết này mình sử dụng hình ảnh tự chụp nhân dịp về Bắc Ninh lần thứ 3 vào tết 2023. Những hình ảnh này được chụp ở thôn Nhị Trai, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh – quê chồng của mình).
Là mảnh đất “thiên thời, địa lợi”, giàu có
Mình là người sống khép kín, ít được đi đây đi đó. Khi còn ở nhà, mình chỉ biết mỗi xóm của mình và con đường từ nhà đến trường. Có một lần được về quê nội (Hà Tĩnh) nhưng do còn nhỏ nên không nhớ được gì. Vì vậy mà mình luôn nghĩ, từ “quê” gắn liền với sự nghèo đói, thiếu thốn.
Nhưng không, Bắc Ninh đã đem đến cho mình một định nghĩa khác hoàn toàn về vùng quê. Cũng là quê nhưng mảnh đất này hiện lên hình ảnh của sự giàu có. Quê chồng mình ở huyện Lương Tài, ở đây bà con cũng chủ yếu làm nông thôi nhưng cuộc sống của họ đầy đủ hơn nhiều.

Ở các làng xã của Bắc Ninh (à mình chỉ nói đến huyện của chồng mình thôi nhé, vì mình chưa được đi các huyện khác) hầu hết các căn nhà đều rất to, trông rất khang trang. Không chỉ bên ngoài hoành tráng mà bên trong nội thất cũng được đầu tư sang trọng. Nếu nói về nhà cửa, các căn nhà ở thành phố phải thua xa những căn nhà được xây dựng ở Bắc Ninh.
Đường xá ở đây cũng được đầu tư xây dựng. Các con đường đều được bê tông hóa, nhựa hóa, rộng thênh thang. Vẫn có một số con đường nhỏ đi vào ngõ xóm, tuy nhiên vì được xây bê tông nên đi lại dễ dàng và trông rất đẹp mắt.
Cũng là quê nhưng nhà ở san sát, liền kề nhau. Dĩ nhiên không đến mức chật chội như thành phố, nhưng lại không xa nhau giống như ở quê mình. Ở đây hầu hết các gia đình sẽ có một căn nhà to đẹp, một mảnh vườn xinh xắn, một cái ao nhỏ để nuôi cá. Nhà kề nhau thật gần gũi nhưng lại không hề bí bách, na ná như những khu nhà biệt thự ở các thành phố lớn.

Thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng Bắc Ninh được trời phú cho các yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Ở đây cũng có 4 mùa rõ rệt, có mùa hè nắng nóng cháy da và mùa đông lạnh thấu xương. Thế nhưng “mưa thuận, gió hòa”, khí hậu Bắc Ninh được đánh giá thuận lợi để trồng trọt và chăn nuôi. Có lẽ vì vậy mà ở đây cây cối luôn xanh tốt, nông nghiệp được phát triển, đời sống của người dân được cải thiện theo thời gian.
Còn ở quê mình thì ngược lại, cũng có 4 mùa nhưng khí hậu khắc nghiệt hơn, việc trồng trọt, chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào mưa, nắng. Có lẽ vì vậy mà mảnh đất trở nên khô cằn, trồng cây gì cũng không đem lại hiệu quả, nuôi con gì cũng không có doanh thu. Cũng vì vậy, quê mình nghèo hơn rất nhiều, chắc chỉ bằng 1/10 quê hương của chồng mình.

Là những con người trọng tình cảm, tình thân
Dĩ nhiên sẽ có người này người kia, không phải ở Bắc Ninh tất cả mọi người đều sống tình cảm, coi trọng tình thân, nhưng phần đa những người mình tiếp xúc đều như vậy. Tương tự ở quê mình và những nơi khác, không phải tất cả mọi người đều sống vô cảm, ích kỷ, thờ ơ, vẫn có những người đầy tình thương mến thương. Những điều mình nói sau đây không có ý chê trách người quê mình, mà mình dành sự ngưỡng mộ đối với quê chồng mình về khía cạnh người với người đối đãi với nhau.
Nói về ở quê mình trước, để thấy rằng sự khác biệt về cách đối đãi với người trong cùng họ. Ở mình, tình cảm trong gia đình nhỏ thì tốt, nhưng tình cảm ở gia đình lớn thì không được bền chặt. Anh em khi ở trong một nhà thì yêu thương nhau rất nhiều, nhưng đến khi lấy chồng/vợ, có gia đình riêng thì tình cảm dành cho nhau bị phai nhạt. Tất nhiên so với người ngoài, hai chữ tình thân vẫn được ưu ái hơn, nhưng sự ưu ái ấy theo mình cảm thấy thì không bằng ở quê chồng mình.

Làm dâu Bắc Ninh được 10 năm, mình nhận thấy nhà chồng mình rất coi trọng tình thân. Không chỉ là anh chị em trong một nhà, mà đối với anh chị em trong dòng họ cũng đối đãi với nhau rất chân tình. Cách mọi người quan tâm nhau, bảo vệ nhau và đặc biệt là luôn xem chuyện của một người là chuyện của mọi người khiến mình ngưỡng mộ. Bố mẹ chồng mình không nói rõ phải đối xử với người thân trong họ ra sao, nhưng trong lời nói của họ cho biết đã là anh em trong họ thì cần phải giúp đỡ, yêu thương nhau.
Thú thật, mình không được mẹ dạy cách yêu thương những người thân trong họ. Thậm chí, nếu mẹ mình không ưa ai đó trong họ thì mẹ sẽ tiêm nhiễm bằng những lời không hay khiến mình cũng cảm thấy không thích họ. Mình nhận thấy đây là điều không nên, tự nhủ sẽ không lặp lại đối với các con của mình. Càng trưởng thành mình càng nhận ra rằng tình thân là tình cảm đáng quý nhất trên đời này. Không chỉ mình sẽ dành nhiều thời gian, tâm trí để “chăm sóc” tình cảm này, mà mình cũng sẽ dạy các con phải biết xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người thân một cách thật lòng nhất.

Mình không phải là người Bắc Ninh nhưng là dâu con mảnh đất này. Con cái của mình, chắc chắn rồi gốc gác chính là ở đây. Mình hi vọng chúng sẽ được thừa hưởng đức tính tốt đẹp này của người dân Bắc Ninh, song song với đó là sự tác động của mình để chúng không chỉ biết yêu thương lẫn nhau, yêu thương bố mẹ mà còn biết yêu thương ông bà nội ngoại, chú thím, các bác, các cậu, các dì và các anh chị em trong cùng họ.
Là tấm gương của sự chịu khó, luôn vươn lên
Người ta thường nói người miền Trung chịu thương chịu khó, nhưng mình thấy câu này đúng hơn với người Bắc Ninh. Có thể là do tầm nhìn của mình hạn hẹp, thì những người mình nhìn thấy, tiếp xúc đều cho thấy họ là những người cực kỳ nỗ lực, không khuất phục trước số phận.
Bố mẹ chồng mình chính là điển hình. Bố chồng mình mất bố mẹ từ sớm, phải tự lập từ nhỏ, cuộc sống nói chung rất cơ cực. Nhưng bố chồng mình đã vượt khó bằng cách làm đủ mọi nghề, lăn lộn từ Bắc vào Nam, kết quả ngày hôm nay đã cho “quả ngọt”.
Anh em bên chồng mình cũng vậy, không một ai có xuất thân giàu có, nhưng tất cả họ bây giờ đều có cuộc sống khá giả. Những người Bắc Ninh từ Bắc vào Nam lập nghiệp, 90% người mình quen biết đều đã có nhà cửa khang trang tại Sài Gòn. Nhiều người còn có “của ăn của để”, sống cuộc sống vương giả không phải lo nghĩ về tiền bạc.
Người Bắc Ninh không ngại làm việc, không chê việc và câu cửa miệng của họ chính là “làm gì cũng được, có tiền là được”. Anh chị em họ của chồng mình khi vào đây đều làm những công việc hết sức bình thường, thậm chí có phần cực khổ như làm than, mua phế liệu, chạy xe thuê, làm thêu,…
Vì không khuất phục trước số phận nên họ sẵn sàng rời bỏ quê hương để đi nơi khác làm ăn. Mặc dù ở quê việc làm nông nghiệp khá thuận lợi nhưng họ không hài lòng với sự bình ổn mà luôn tìm cách vươn lên. Từ những chàng trai, cô gái trẻ tuổi cho đến những người đã có gia đình, người lớn tuổi, họ sẵn sàng dứt áo ra đi để tìm đến nơi hứa hẹn cuộc sống tốt đẹp hơn. Có lẽ vì lẽ đó mà anh em nhà chồng mình ở trong Sài Gòn này rất đông, và thật may là tất cả họ đều đang có cuộc sống tốt đẹp.
Còn ở quê mình, điều mình cảm nhận được là phần đa người dân ở đây có tư tưởng an phận. Nghèo khổ cũng được miễn ở lại quê hương là được. Hoặc đi làm ăn xa thì “kén cá chọn canh”, hoặc làm quá cực khổ, quá áp lực sẽ nghỉ. Không phải tất cả mọi người đều như vậy, nhưng phần lớn mọi người đều có một điểm chung này. Trong đó có mình như những gì mình đã viết ở bài viết An phận: Tốt hay xấu? Nên hay không?
Chồng mình là điển hình cho người Bắc Ninh sở hữu đức tính chịu khó, ham học hỏi, luôn nỗ lực vươn lên. Còn mình chính là đại diện cho người quê mình có lối sống an phận, không chịu nỗ lực và dễ dàng hài lòng với những gì mình đang có. Thật may mắn khi mình lấy được anh – một chàng trai Bắc Ninh vui tính, tốt bụng, luôn cố gắng và nỗ lực mỗi ngày. Mình cũng cảm thấy may mắn khi làm dâu quê hương quan họ – mảnh đất “địa linh nhân kiệt” như bài hát của Hòa Minzy, để mình thêm mở mang, thay đổi và hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực hơn.


