Ngày này 1 tháng trước mình từ Tp. HCM về Nghệ An. Giờ này (9h39p) 1 tháng trước mình đang ngồi taxi để về nhà. Và giờ này ngày hôm nay mình đã vào lại Sài Gòn từ 8 ngày trước.
Mình đã đọc được ở đâu đó rằng, đối với phụ nữ đã lấy chồng thì con đường xa nhất, dài nhất chính con đường về nhà mẹ. Trải qua 7 năm hôn nhân, mình thấm thía sâu sắc câu nói ấy. Những năm đầu về còn dễ, càng về sau càng khó hơn. Lý do không chỉ tiền bạc, dịch bệnh, khoảng cách, mà lý do còn nằm ở cái khó của phận làm dâu.
22 ngày ở nhà mẹ
Đó là những ngày hạnh phúc và an yên nhất. Thật sự, không đâu thoải mái bằng ở nhà và không ai thương mình bằng mẹ của mình. Nếu bắt buộc phải kể ra một nỗi buồn hoặc lo lắng khi ở nhà thì đó chỉ là nỗi lo của những ngày gần tết, mẹ bị F1 và quán tạp hóa của mẹ buôn bán khó khăn. Còn lại, tất cả mọi thứ thật nhẹ nhàng và bình yên.
Tại sao ngày xưa khi còn đang ở nhà mình lại không nhận ra cảm giác sống bên cạnh người thân thật là ấm áp nhỉ? Đúng như câu nói “khi ta ở chỉ là nơi đất ở – khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Ở cùng nhà với mẹ, ăn chung mâm cơm với mẹ, nhìn mẹ cười, mẹ nói thôi cũng cảm thấy vui rồi. Thậm chí, những công việc mình rất lười trước đây như nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ,… thì khi về nhà lại yêu thích và tự nguyện. Giống như giờ này ở đây, ước gì đang ở nhà cùng mẹ, được nấu cơm cho mẹ, được ăn cơm cùng mẹ và thủ thỉ với mẹ.
Nhưng lạ lắm, xa thì rõ rất nhớ nhưng ở gần lại hay cằn nhằn. Không phải mẹ cằn nhằn mình mà ngược lại, mình luôn gắt gỏng với mẹ. Đó là cái tính xấu mà mình đã nhắc đến ở bài viết 4 điều “kỳ cục kẹo” ở mình. Để rồi bây giờ mình rất ân hận, giá như mình có thể nhẹ nhàng với mẹ hơn.
Cũng gần 30 tuổi rồi mình mới nhận ra, cái cảm giác gặp gỡ anh chị em họ hàng thật là hạnh phúc. Ở nhà mình, anh em nội ngoại (của mình chứ không phải con mình) đều ở sát bên nên khi về nhà mình thường xuyên được gặp gỡ. Đôi khi chỉ cần gặp qua, hỏi thăm nhau vài ba câu, biết họ vẫn khỏe mạnh, bình an là lòng cảm thấy vui rồi.
Điều khiến mình rơm rớm nước mắt mỗi khi nghĩ đến là ông bà nội – ngoại của mình. Ông bà nội đã chạm ngưỡng 90 tuổi, ông bà ngoại cũng xấp xỉ. Năm nay mình về, ông bà vẫn còn khỏe. Nhưng liệu lần kế tiếp mình về thì mình còn có ông bà nữa không? Thực ra trước đó mình không nghĩ đến chuyện này. Mình vẫn cho rằng mỗi lần mình về thì mình vẫn thấy ông bà như mọi khi thôi. Nhưng câu nói của bà ngoại mình đã khiến mình nhận thấy sự tàn ác của thời gian. Bà nói “Năm nay về bà còn thì bà đi hái rau má, bắt ốc cho mà ăn. Lần sau về có khi không còn bà nữa đâu” (bà nói câu này khi mình trách mắng bà không chịu ở nhà nghỉ ngơi mà suốt ngày đi hái rau má ngoài đồng, bắt ốc trong tiết trời lạnh giá).
So với ông bà nội, mình có tình cảm nhiều hơn với ông bà ngoại. Có lẽ là vì từ nhỏ mình đã sống gần ông bà, hơn nữa mình nhận được nhiều sự quan tâm của ông bà hơn. Trước ngày mình đi, bà đã sang tìm mình để nói lời chào tạm biệt. Mặc dù lúc đó mới 8h tối nhưng trời tối và rất lạnh nên nhà mình đã đi ngủ trước. Bà cũng đã đi nằm nhưng vì thương cháu mai đi nên dậy mặc áo, mò mẫm chống gậy qua nhà mình. Bà nói rằng sợ mai mình đi gấp không qua chào bà thì không biết sau này không thấy bà được nữa. Câu nói này của bà một lần nữa khiến mình chực trào nước mắt. Phải rồi, bà đã già, đã yếu rồi. Trong khi thời gian mình về thì còn rất dài, rất xa.
Xa nhà lần này mình biết rằng sẽ còn rất lâu nữa mình mới được trở về. Bởi nếu không có gì bất thường xảy ra thì có lẽ 2 năm mới được về một lần. Mình đã lấy chồng rồi, mà lấy chồng thì làm gì còn nhà nữa, đó là nhà mẹ mà thôi.
22 ngày là gần 1 tháng nhưng sao mình cảm thấy nhanh quá vậy? Như cái chớp mắt chỉ vừa mới đây thôi mà mình đã phải trở vào nam rồi. Mình cứ nghĩ mình sẽ ăn hết hũ măng mẹ muối, sẽ ăn hết đống thịt mua tết, sẽ chờ những chậu rau mình trồng lớn lên, sẽ đi qua nhà anh em, họ hàng chơi,… nhưng thực ra mình chưa làm được một điều gì cả. Thời gian trôi quá nhanh, mình vẫn còn chưa tận hưởng hết sự ấm áp ở bên gia đình mà!
Cảm giác của người ở lại
Mình vào nam thật rồi. Lúc đi mình nghĩ rằng mình sẽ không khóc đâu, vì từ lúc đi học đại học đến nay mình đã quá quen với cảnh xa nhà rồi. Nếu là trước đây mình sẽ khóc từ trước đó một vài ngày. Nhưng nay khi nghĩ đến, mình buồn có, không nỡ có, nhưng tuyệt đối không khóc. Lúc lên taxi để ra sân bay, mình vẫn cười toe toét vẫy tay chào mọi người. Vậy mà taxi vừa lăn bánh, mình nói với chồng “lúc về thì vui, đi thì buồn quá”. Vậy là mình khóc.
Khóc chán rồi thôi, mình lại nín. Ra sân bay, mình bận rộn với con cái nên muốn khóc cũng chẳng khóc được. Lên máy bay, nhìn cảnh 2 đứa con hào hứng nên mình tạm quên đi nỗi buồn này. Nhưng khi máy bay cất cánh thì mình lại khóc. Lần này mình khóc rất lớn bởi vì tiếng ồn của máy bay có thể át đi tiếng khóc của mình.
Máy bay rời khỏi sân bay Vinh, mình từ trên cao nhìn xuống quê hương của mình một lần nữa, cảm giác lúc đó đau đớn như bị mất đi một thứ gì rất quan trọng. Đứa con gái của mình nhìn và hỏi “mẹ ơi, sao mắt mẹ có nước này?”. Mình không trả lời nổi, và như kiểu có thêm dầu vào lửa, mình lại khóc nấc lên.
Thực ra mình đang khóc cho mẹ chứ không phải khóc cho mình. Bởi vì với mình, con cái, công việc và sự tấp nập của Sài Thành sẽ giúp mình nhanh chóng quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng mà mẹ mình, sự bình yên của làng quê, sự trống trải, cô đơn của tâm hồn sẽ khiến mẹ thêm buồn, thêm nhớ con cháu hơn. Giá như mẹ mình còn chồng, chúng mình còn cha thì mẹ sẽ đỡ trống trải và mình sẽ không phải buồn, thương mẹ nhiều như bây giờ. Tiếc rằng cha mình đã rời bỏ mẹ con mình để sang thế giới bên kia từ năm mình còn học lớp 7.
Còn mẹ mình, trăm lần như 1, mỗi lần mình đi thì mẹ sẽ không ra chào mà sẽ lên giường nằm khóc. Lần này cũng vậy thôi, khi taxi vừa tới nhà là lúc mình không nhìn thấy mẹ đâu. Không cần tìm mình cũng biết, chắc chắn mẹ đã vào giường trùm chăn để khóc rồi. Điều này lại càng khiến mình đau lòng thêm. Giá như mẹ là người mạnh mẽ, giá như mẹ không yêu thương mình nhiều như thế thì có lẽ khi mình đi mẹ đã không buồn đến vậy. Mẹ không buồn thì mình cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn khi phải đi.
Chặng đường từ Sài Gòn về nhà và từ nhà vào lại Sài Gòn là như nhau, thế nhưng mình lại cảm thấy đường về nhà thật nhanh, thật khỏe; còn đường trở vào thì thật xa và thật mệt. Lúc về mình còn có thể nói chuyện, líu lo ca hát, chụp “1001” bức hình mặc dù ngồi trên máy bay và taxi cả mấy tiếng đồng hồ. Lúc vào, cũng từng nấy quãng đường nhưng mình lại cảm thấy rất mệt, không có sức để nói chuyện, không có tâm trạng chụp hình và bị say xe.
Từ lúc rời khỏi nhà, trong đầu mình chỉ nghĩ đến duy nhất một điều: Giờ này những hôm đang ở nhà thì mình đang làm gì nhỉ? Lúc vào tới nhà chồng, mình nhìn đâu cũng thấy hình ảnh của quê nhà. Thấy mẹ chồng vui vẻ vì con cháu vào, mình liền nghĩ đến mẹ mình chắc đang buồn lắm. Mình ăn cơm cùng bố mẹ chồng, mình nghĩ tới không biết giờ này mẹ ăn chưa, mẹ ăn gì, ăn với ai. Mình rửa bát, mình lại nhớ đến chỗ rửa bát quen thuộc ở nhà, thậm chí mình nhớ cả loại nước rửa bát nhà mình dùng, cái giẻ rửa bát và chùi nồi. Mình bước vào phòng tắm, mình lại nhớ đến phòng tắm nhà mình, nhớ đồ dùng và sự sắp xếp đồ đạc. Bất cứ thứ gì nhìn thấy mình đều liên tưởng đến nhà mình. Lúc này dù ở nhà chồng, có bố mẹ chồng, có chồng và con nhưng mình cảm thấy cô đơn, trống trải vô cùng.
Nhưng rồi những cảm giác ấy cũng nhanh chóng qua đi. Hôm nay đã là ngày thứ 8 mình xa nhà mẹ rồi. Mình đã không còn nhớ nhiều như những ngày mới rời đi nữa. Nhưng mình biết, mẹ mình ở quê chắc chắn vẫn còn nhớ mình và các con mình rất nhiều. Nỗi nhớ ấy biết khi nào cho vơi khi mẹ chính là người ở lại? Hi vọng thời gian sẽ giúp mẹ nhanh quen và sớm lấy lại nhịp sống bình thường như trước. Hi vọng mẹ con mình sẽ sớm gặp lại nhau, không phải trong dịp bất thường nào đó mà là khi sợi dây vô hình (về tiền bạc, dịch bệnh, khoảng cách và phận làm dâu) sẽ được rút ngắn lại.