Bị nhiệt miệng nặng gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu và hướng điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nhiệt miệng là tình trạng miệng (khoang miệng, lưỡi, lợi) bị viêm loét gây đau, xót và khó chịu. Đối với trường hợp nhẹ (thông thường), bệnh chỉ là một vết loét nhỏ có hình bầu dục, có màu trắng hoặc vàng, xung quanh bị sưng đỏ, kích thước cỡ 1 – 2mm. Bệnh không lây lan và sẽ tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, đối với tình trạng nặng thì bệnh sẽ có các biểu hiện, nguyên nhân và hướng điều trị sau đây:
Dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiệt miệng nặng
- Kích thước nốt nhiệt: Lớn hơn rất nhiều so với thông thường (từ 5-10mm).
- Triệu chứng đi kèm: Đau nhức ngay cả khi không cử động miệng, sốt, phát ban, đau đầu, nổi hạch, tiêu chảy,…
- Số lượng nốt miệng: Một hoặc một vài nốt nhiệt xuất hiện cùng lúc.
- Thời gian bị: Kéo dài trên 2 tuần, liên tục, quanh năm.
Không chỉ nốt nhiệt to, lớn, gây đau dữ dội mới gọi là nhiệt miệng nặng mà bị nhiệt miệng quanh năm và liên tục cũng được xem là dấu hiệu của tình trạng nặng, mặc dù nó có thể có các biểu hiện giống tình trạng nhiệt miệng nhẹ. Vậy tại sao bị nhiệt miệng liên tục? Và có cách nào để chấm dứt tình trạng này hay không? Tiếp tục tìm hiểu trong phần nội dung tiếp theo nhé!
Nguyên nhân gây nhiệt miệng nặng và liên tục
Ngoài nguyên nhân thông thường như ăn đồ cay, nóng, tổn thương do trầy xước, cắn phải hay bị stress thì bị nhiệt miệng nặng, quanh năm và liên tục còn do các nguyên nhân sau đây:
- Chức năng gan suy giảm
- Hệ miễn dịch yếu
- Thiếu vitamin B9, B12, C và các khoáng chất như sắt, kẽm,…
- Do Helicobacter Pylori – một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng trong dạ dày xuất hiện trong khoang miệng
- Dị ứng, nhạy cảm với một số loại thực phẩm: socola, cafe, trứng, các loại hạt, phô mat,…
- Sử dụng thuốc dễ gây nhiệt miệng trong thời gian dài: Aspirin, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chẹn beta, nicotin đường uống, thuốc hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch, penicillamine, thuốc sulfa, phenytoin, thuốc giãn phế quản kháng cholinergic, thuốc ứng chế kết tập tiểu cầu, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế protease, thuốc kháng sinh, thuốc kháng retrovirus, thuốc điều trị cao huyết áp.
- Dùng kem đánh răng và nước súc miệng không phù hợp (chứa sodium lauryl sulfate).
- …
Hướng điều trị khi bị nhiệt miệng nặng
Nếu như bạn có thể xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt miệng nặng ở bản thân thì cách chữa trị tốt nhất đó là bắt đầu từ những nguyên nhân đó. Ví dụ như nhiệt miệng do thiếu vitamin thì bổ sung ngay vitamin cần thiết. Hoặc nếu nhiệt miệng do dùng kem đánh răng, nước súc miệng không phù hợp thì thay đổi sản phẩm khác. Hay do miễn dịch cơ thể yếu thì tăng cường bổ sung hệ miễn dịch cho cơ thể…
Nhưng làm thế nào để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt miệng của mình?
Đi khám bác sĩ là lựa chọn đúng đắn nhất trong trường hợp này. Đối với tình trạng nhiệt miệng nhẹ thì các bác sĩ có thể chẩn đoán bằng mắt thường. Nhưng đối với trường hợp bệnh nặng thì cần sử dụng một số phương pháp như xét nghiệm máu, sinh thiết để biết chính xác tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Trên cơ sở đó để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Song song với việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì người bị bệnh nhiệt miệng nói chung cần phòng bệnh thông qua việc thiết lập thói quen sinh hoạt, ăn uống sau đây:
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Duy trì tâm trạng thoải mái
- Luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe và miễn dịch
- Ăn uống khoa học, đủ chất, hạn chế ăn đồ cay, nóng, có tính axit
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước
- …
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo áp dụng một số cách sau đây để làm dịu hoặc chữa lành các nốt nhiệt miệng:
- cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày
- cách trị nhiệt miệng tận gốc
- cách chữa nhiệt miệng dân gian