Bài viết này không nhằm mục đích nịnh. Bài viết này chỉ để ghi lại cảm giác của mình đối với chồng ở thời điểm hiện tại – 5h chiều ngày 5/11/2021. Ghi để nhớ mình đã có lúc thương chồng nhiều đến thế.
Bây giờ là 5h chiều – thời điểm sắp kết thúc một ngày. Giờ này mình đang thảnh thơi ngồi trên phòng làm việc. Còn chồng mình thì đang “đầu tắt mặt tối” với trăm ngàn công việc có tên và không tên khác nhau. Hai con người, hai hoàn cảnh đối nghịch nhau hoàn toàn. Có lẽ vì vậy mà mình mới cảm thấy thương chồng nhiều ơi là nhiều.
Gọi là thảnh thơi vì hôm nay đầu tháng, không bị KPI dí chứ không phải mình chơi, không làm việc. Vì thảnh thơi nên mình để ý mọi âm thanh và suy nghĩ nhiều hơn về mọi việc xung quanh. Và mình chợt nhận ra giây phút này mình thương chồng biết nhường nào.
Âm thanh mình nghe được nhiều nhất và rõ ràng nhất lúc này chính là âm thanh làm bếp. Là chồng mình đang nấu nướng cho bữa tối. Nhà mình có 3 người phụ nữ – mẹ chồng mình, mình và em dâu mình. Mẹ chồng mình thì bận làm hàng (thêu vi tính), mình thì bận làm việc, còn em dâu mình mới sinh. Vì vậy đã mấy tháng nay (nghỉ dịch) nhiệm vụ bếp núc đã được chuyển cho chồng mình hoàn toàn.
Công việc này đối với phụ nữ thì đơn giản, nhưng với cánh đàn ông thì không dễ dàng chút nào (dĩ nhiên ngoại trừ những người đam mê nấu nướng). Chồng mình thì biết nấu ăn nhưng lại không biết “hôm nay ăn gì”. Lúc tối nhìn anh đưa giấy bút ra liệt kê thực đơn cho mỗi ngày mà vừa thấy thương vừa cảm thấy buồn cười. Lý do là ngày nào anh cũng nhong nhong ngoài chợ lượn hết mấy vòng mà không biết mua gì. Vì vậy anh quyết định ghi trước thực đơn cho mỗi ngày, để mỗi lần đi chợ chỉ cần nhìn vào đó là biết cần mua gì mà không cần suy nghĩ đến đau đầu.
Nếu chỉ nấu cho 2 vợ chồng mình ăn thì dễ lắm, 2 đứa mình ăn gì cũng được. Nhưng nấu cho cả nhà gồm 10 người ăn mà mỗi người ăn 1 kiểu thì khó vô cùng. Nhà mình có mẹ chồng và em chồng rất kén ăn, có 2 đứa con nhỏ của mình ăn khác với người lớn, có mẹ bầu ăn thực đơn khác. Nếu mà chiều ý của từng người thì sẽ phải nấu rất nhiều món, sẽ không có đủ thời gian. Nhưng nếu nấu một vài món thì lại có người ăn được, người không. Đến mình còn phải đau đầu khi suy nghĩ “hôm nay ăn gì” nữa là chồng mình.
Ngoài ra, mình còn nghe được âm thanh các con của mình đang tắm ngoài ban công, gọi là tắm nhưng thực ra là nghịch nước. Thỉnh thoảng con gái lớn của mình lại hét lên “Bố ơi, em…”. Ý là mách em làm cái này, cái kia. Thỉnh thoảng thì 2 đứa nó lại giành đồ của nhau, đánh nhau. Và chồng mình đang nấu trong nhà bếp sẽ phải ngưng hết công việc đang làm để ra giải quyết, phân xử. Xong lại tiếp tục vào bếp nấu nấu, nướng nướng.
Sau khi cho các con nghịch nước xong, anh sẽ gọi từng đứa vào nhà tắm để tắm lại. Lúc này anh sẽ vừa tắm vừa nấu nướng. Nghe thì đơn giản nhưng mình biết rất mệt. Mệt vì mất sức mất lực đã đành, mệt còn vì đâu phải lúc nào nói tụi nhỏ cũng nghe, gọi tụi nhỏ cũng thưa.
Sau khi tắm cho con xong, anh tiếp tục nấu nướng. Người ta bảo nấu ăn cũng là nghệ thuật và người nấu ăn giống như nghệ sĩ, nhưng mà nói ai chứ không phải nói nhà mình. Bởi vì nhà mình, dù là mình hay chồng mình thì hầu như lúc nào nấu nướng cũng giống như đi đánh giặc vậy. Không chỉ nấu mà còn kết hợp làm trăm công ngàn việc khác ví dụ như tắm cho con, trông con, phân xử nếu chúng nó đánh nhau, dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng thiếu gì lại phải chạy ra chợ,… Không phải thong thả mà nấu mà còn chịu bao nhiêu là áp lực như nấu xong trước 6h để cho con ăn tối, để tắm rửa cho bản thân, để cho em dâu ăn trước (bà đẻ đói sớm nên phải ăn trước), để hoàn thành mọi việc trước 7h để cả nhà cùng ăn tối.
Mình thường kết thúc công việc vào lúc 6h tối. Lúc này mình sẽ xuống nhà để tắm rửa và ăn cơm. Mình sẽ không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì trong khoảng thời gian này, vì tất tần tật chồng mình đều đã làm xong trước đó.
Có những hôm mình xuống sớm hơn thì thấy cảnh: Anh đang dọn dẹp đồ chơi (hôm nào con mình cũng bày đồ chơi ra khắp nhà), xong quét dọn, rồi lấy cơm cho con ăn, đút cho con ăn (bé lớn nhà mình 5 tuổi nhưng khi ăn vẫn phải có người đút), xong vào rửa đống chén bát, xoong nồi do anh vừa nấu xong. Mình bảo “để đó tí ăn xong em rửa cũng được”, anh bảo “thôi, tí rửa một đống lại mệt”. Mình luôn có cảm giác anh cố gắng hoàn thành xong mọi việc trước khi mình xuống nhà, để khi mình xuống là được thật sự nghỉ ngơi chứ không phải làm gì nữa.
Mình biết những công việc này không to tát nhưng lại vô cùng mệt. Bằng chứng là chủ nhật nào nghỉ làm, những công việc này mình sẽ “kham” hết để chồng được nghỉ ngơi. Và sau đó toàn thân rã rời, đau nhức, nhiều lúc còn phát bệnh. Biết vậy nên mình lại cảm thấy thương chồng nhiều hơn.
Mình gọi những việc anh đang làm là “hi sinh” chứ không phải là nghĩa vụ. Vì thực ra anh vẫn có sự lựa chọn khác đó là đi làm. Công ty anh thì nghỉ dịch mấy tháng nay chưa làm lại, nhưng sếp của anh vẫn gọi anh lên làm riêng cho anh ấy. Anh cũng đã đi làm được 1 tuần rồi, nhưng vì mình than thở rằng không có ai trông con, không có ai nấu nướng nên anh đành phải nghỉ việc để về nhà làm nội trợ bất đắc dĩ.
Có những lúc mình rất ghét anh, rất bực mình anh, nhưng sao lúc này lại cảm thấy thương nhiều đến như vậy. Thương cho sự vất vả của anh. Thương tính chịu thương, chịu khó của anh. Thương vì sự “hi sinh” của anh dành cho gia đình. Chỉ mong nhanh nhanh hết dịch để anh được trở lại là chính anh – là người đàn ông trụ cột của gia đình. Và những công việc nội trợ đó sẽ trở lại là của mình, dù mình hay anh làm thì cũng mệt như nhau thôi, nhưng mà vì mình thương anh, mình muốn sự vất vả “ngọt ngào” đó là của mình. Còn anh, rời bỏ sự vất vả này thì anh sẽ phải đối diện với sự vất vả lớn hơn nhưng quan trọng là phù hợp hơn, và mình tin anh thích hơn.