#4 bài học rút ra từ khởi nghiệp kinh doanh thất bại

Khởi nghiệp kinh doanh thất bại, ngoài cái kết đắng mình nhận được là mất tiền, mất của, mất công, mất sức thì mình nhận về được một “đống” bài học xương máu. Và mình muốn chia sẻ điều này đến với mọi người, để những ai có ý định kinh doanh có thể xem đó như là lời khuyên hữu ích.

Thực phẩm sạch LD là tên gọi của cửa hàng thực phẩm, cũng là “vụ làm ăn lớn” đầu tiên của mình và chồng. Năm ngoái vào ngày 6/9/2020 mình và chồng đã tổ chức một buổi khai trương khá hoành tráng cho “em” nó. Và ngày ngày năm nay đúng 1 năm (6/9/2021) mình viết những dòng này để “tưởng nhớ” lại “đứa con tinh thần” của tụi mình, đồng thời chia sẻ đến bạn đọc tất tần tật về những sai lầm trong khởi nghiệp kinh doanh.

Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 1

1. Tại sao mình khởi nghiệp kinh doanh thất bại?

Chồng mình là quản lý của một công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho trường mầm non. Nhiều năm làm việc trong nghề giúp anh am hiểu về ngành thực phẩm, đồng thời quen biết nhiều người trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm giá sỉ, giá tốt. Sau một thời gian gắn bó, anh luôn nung nấu một ý tưởng trong đầu rằng sẽ làm một cái gì đó riêng cho mình chứ không thể đi làm thuê mãi được.

Anh nghĩ rằng mình hiểu về thực phẩm và cũng có nguồn cung thực phẩm tốt, vì vậy anh muốn mở một cửa hàng chuyên bán thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả các loại,… Anh nhiều lần tâm sự với mình về mong muốn này, dĩ nhiên mình đồng ý và ủng hộ anh hết mình.

Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 2
Bảng hiệu một thời của cửa hàng mình – Thực phẩm sạch LD

Sau vài lần bàn bạc, vợ chồng mình quyết định sẽ mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh. Dự tính là sẽ bán hàng online là chính (tức giao hàng tại nhà), còn bán tại cửa hàng chỉ là phụ. 2 vợ chồng mình nghĩ rằng đây là một kế hoạch hoàn hảo, rất dễ để thực hiện. Bởi vì nguồn thực phẩm giá tốt chồng mình đã có sẵn. Còn mình làm trong lĩnh vực Content Writer – tức người viết nội dung cho các website, mình sẽ nhờ người tạo website cho riêng mình và tự bản thân mình sẽ phát triển nội dung trên đó.

Mọi thứ cứ ban đầu diễn ra rất thuận lợi, mình và chồng cảm thấy màu hồng bao vây và tin rằng chúng mình sẽ có được một khởi nghiệp hoàn hảo.

Nhưng sự thật thì mình đã thất bại ngay sau đó. Ngày 6/9 mình khai trương thì đúng ngày 12/9 mình đóng cửa. Lý do thì nhiều lắm, nhưng mình sẽ nói về một số lý do chính sau đây:

1.1. Nói một đằng làm một nẻo

Cửa hàng của mình đặt ở trong một con hẻm nhỏ tại quận Tân Bình. Đó là một con hẻm rất nhỏ mà ô tô không thể nào đi vào được. Xét về vị trí cho thấy cửa hàng của mình không bất cứ lợi thế nào. Tuy nhiên tụi mình không quan trọng điều này, bởi vì cả hai đều cho rằng mục đích của cửa hàng là bán online chứ không phải bán trực tiếp.

Chưa hết, “đối thủ” xung quanh tụi mình rất nhiều: Cách đó khoảng 2 phút đi xe máy là chợ Phạm Văn Hai to lớn bán đủ thứ “trên trời dưới đất”. Cách khoảng 1 phút là Bách hóa Xanh mới khai trương cũng cực kỳ to bự. Trong khu đó có đến 2 – 3 người bán thực phẩm nhỏ lẻ kiểu trải bạt ra bán. Nhưng tụi mình cũng không hề lo lắng bởi như đã nói ở trên mục đích chính là giao hàng tại nhà, còn ở quán bán được nhiêu thì bán, không bán thì thôi.

Kế hoạch của tụi mình là bên cạnh phát triển website, tiếp cận khách hàng thông qua internet thì chồng mình sẽ đi chào hàng từng nhà, từng người một. Mình tin với khả năng “ăn nói” của chồng mình thì việc tìm được 10 – 20 khách là chuyện nhỏ trong lòng bàn tay. Chỉ cần ban đầu có từng đó khách đặt hàng thôi là tụi mình có thể duy trì cửa hàng này rồi. Tụi mình lúc này chưa nghĩ đến lợi nhuận mà chỉ mong không lỗ là được rồi.

Nghĩ thì hay như vậy nhưng thực tế thì khác hoàn toàn. Cả hai vợ chồng mình đều tập trung cho cửa hàng mà không đi tìm kiếm bất cứ một vị khách nào cho dịch vụ đi chợ tại nhà. Nhấn mạnh là không đi tìm chứ không phải là đi tìm nhưng không có nha. Lý do là vì thời gian lo cho cửa hàng còn không đủ thì lấy đâu thời gian để chào khách nữa. Cộng thêm tư tưởng không vội, đến đâu tính đến đó, nên cho đến ngày khai trương thì tụi mình chưa có được một vị khách đặt hàng nào.

1.2. Không am hiểu thị trường, thị hiếu

Thực ra mà nói, mặc dù chồng mình dù làm trong ngành thực phẩm lâu năm nhưng chỉ làm bên vai trò quản lý mà thôi, còn việc marketing hay bán hàng gì đó chồng mình hoàn toàn không biết. Vì vậy, nhu cầu thị trường, mong muốn của con người đang diễn ra như thế nào chồng mình hoàn toàn không hề biết.

Ví dụ:

  • Về dịch vụ đi chợ tại nhà: Chồng mình nghĩ rằng anh có thể thay đổi thói quen đi chợ truyền thống của mọi người thông qua dịch vụ đi chợ tại nhà mà tụi mình cung cấp. Tuy nhiên anh không hề biết rằng thay đổi thói quen của một người là một việc làm cực kỳ, vô cùng khó. Ngay cả mẹ anh hay vợ anh (là mình) thì nếu được lựa chọn mình và mẹ cũng sẽ đi ra chợ tự tay lựa chọn đồ ăn hơn là việc đặt hàng qua mạng trong khi không biết người ta giao có đúng yêu cầu và mong muốn hay không.
  • Về bán hàng trực tiếp tại cửa hàng: Tụi mình nghĩ rằng sự có mặt của cửa hàng chúng mình là giải pháp cho bà con gần đó khi họ không phải đi ra chợ (không xa lắm, nhưng đông đúc và chật chội), chỉ cần vài bước chân là có thể đến cửa hàng của mình để mua sắm. Thế nhưng tụi mình không biết rằng tâm lý của người dân luôn cho rằng đồ trong cửa hàng, siêu thị sẽ đắt hơn ở chợ nên họ sẽ không ghé vào. Ngoài ra, tụi mình đầu tư tủ lạnh để trưng thịt và nghĩ rằng đó là cách để tạo sự sạch sẽ và chuyên nghiệp nhưng lại không biết rằng người dân họ không thích ăn thịt bỏ tủ lạnh mà chỉ thích mua thịt còn tươi sống (mặc dù thịt của tụi mình bán cũng tươi sống, nhưng lại bỏ vào tủ mát).
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 3
Thịt để tủ mát trông sạch sẽ mà nhỉ, sao nhiều người lại không thích?

1.3. Không biết tính toán

Ngày khai trương, hàng loạt các câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra mà nguyên nhân xuất phát từ việc không biết tính toán của vợ chồng mình.

  • Về giá bán: Mình là một người có trí nhớ cực kém, mình đã không thể nào nhớ được giá cả của từng mặt hàng đang bán. Điều này đã được chồng mình khắc phục bằng cách dán giá cụ thể lên từng mặt hàng, nhưng mỗi lần tính tiền là mình lại “loạn xị ngậu” đi nhìn giá xem bao nhiêu, thật là một cảnh tượng thiếu chuyên nghiệp. Còn chồng mình, anh lại không nhớ được giá gốc của các mặt hàng nhập về, dẫn đến một số mặt hàng bán sai giá (hầu hết bán thấp hơn). Điều này không chỉ khiến tụi mình lỗ mà còn ảnh hưởng đến sự uy tín khi mà người mua họ thấy hôm nay giá thế này nhưng ngày mai tụi mình đã chỉnh thành giá thế khác.
  • Về khuyến mãi: Ngày khai trương, chồng mình đưa ra chương trình khuyến mãi: giảm 30% cho mọi đơn hàng + tặng 2kg gạo hữu cơ Quế Lâm cho đơn hàng 200K trở lên + tặng 1 gói khẩu trang cho bất cứ ai vào mua hàng (vì lúc đó mới dịch xong). Anh xác định ngày khai trương chỉ bán vừa vốn chứ không tính đến chuyện lời. Nhưng mình đã ngăn cản, vì nếu khuyến mãi kiểu này thì tụi mình lỗ nặng chứ đừng mong đến hòa. Sau một hồi thuyết phục thì anh quyết định: giảm 20% cho mọi đơn hàng + tặng 2kg gạo hữu cơ Quế Lâm cho đơn hàng 500K trở lên và không tặng khẩu trang nữa.

Gạo hữu cơ Quế Lâm giá bán là 40.000 đồng/kg, tặng 2kg tức là 80.000 đồng. Đơn hàng 500K giảm 20% tức là giảm 100K, cộng thêm 2kg gạo 80K nữa là giảm 180K, thực trả chỉ còn 320K. Bạn biết tụi mình lời lãi như thế nào rồi đấy.

1.4. Không có thời gian

Mặc dù mở cửa hàng riêng nhưng cả hai vợ chồng mình đều không nghỉ công việc làm từ trước tới giờ. Chồng mình vẫn làm quản lý cho công ty thực phẩm với thời gian làm việc bắt đầu từ 4h sáng đến 7h tối. Còn mình thì làm Content Writer ngày 8 tiếng. Ngoài ra, tụi mình còn có thêm 2 đứa con nhỏ: đứa hơn 2 tuổi và đứa 4 tuổi, thời gian đó đang đi gửi nhà trẻ. Nên ngoài các lý do nói trên thì thật sự tụi mình bận đến thời gian thở còn không có chứ đừng nói gì đến việc lớn lao là đi tìm khách.

Trước khi mở cửa hàng, thời gian nghỉ ngơi của 2 vợ chồng mình vốn đã không có. Chồng mình làm quần quật từ sáng đến tối, công việc có thể đi lại tự do nhưng lại quá nhiều việc khiến anh dường như dồn hết mọi thời gian và tâm trí cho chuyện công ty. Còn mình thì ngoài giờ làm cho công ty mình còn phải lo cho con cái, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp,… Tấm thân nhỏ bé chưa đến 45kg của mình luôn trong tình trạng đau nhức toàn thân, mệt mỏi, bơ phờ, mình hay nói đùa với mọi người là “xù đầu xù tóc”.

Vậy mà tụi mình dám mở cửa hàng – một công việc mà những người có tiền và thời gian chưa chắc đã dám làm, trong khi tụi mình tiền không có, thời gian lại càng không. Lúc đó vợ chồng mình nghĩ đơn giản lắm, có khách thì bán, không có khách thì làm việc của mình, cuộc sống cứ thế đơn giản mà qua đi.

Nhưng làm thực tế rồi mới biết chẳng có công việc nào mà đơn giản cả. Chồng mình tập trung làm cho công ty đến nỗi 8h sáng anh còn chưa đưa hàng về cho mình trưng lên. Mình dậy từ 5h sáng để dọn dẹp nhưng 8h còn chưa dám mở cửa (vì có hàng đâu mà bán). Đợi anh đưa được hàng về thì người dân xung quanh đó cũng đã đi chợ về hết. Mà đưa hàng về còn không đủ, thiếu ngược thiếu xuôi vì hàng thì nhiều, mỗi hàng ở một nơi nên một mình anh chẳng thể nhớ hết và cũng chẳng thể xoay xở được.

Kể từ ngày mở cửa hàng là từ ngày đó trở đi 2 vợ chồng mình không ăn sáng, không thể nấu cơm ăn trưa – tối. Bởi vì bán hàng thì không thể đóng cửa dù không có ai mua đi nữa. Bếp thì ở mãi phía sau nên mình không thể bỏ quán để đi nấu cơm. Nhưng nói thật lúc đó vừa mệt lại vừa không có tâm trạng (vì bán ế) để nghĩ đến chuyện ăn uống nữa. Nhìn thấy đống thịt, cá đang ươn dần, rau – củ – quả đang héo dần thì chỉ muốn khóc thôi chứ không muốn ăn nữa.

Nhưng điều đó chưa hề hấn gì, mà cực khổ nhất phải kể đến khoảng thời gian 3 rưỡi chiều trở đi. Đứa nhỏ nhà mình học trường mầm non nhà nước, 3 rưỡi đã tan trường. Đứa lớn học trường tư nhân, 5h chiều kết thúc. Bắt đầu 3 rưỡi chiều mình phải ngưng toàn bộ công việc để ra trường đón đứa bé về. Sau đó mình tiếp tục vừa bán hàng vừa trông con (mà thực ra làm gì có người mua mấy). Đến 5h chiều nếu chồng mình bận thì mình sẽ đưa đứa nhỏ đi đón đứa lớn, còn không thì chồng mình sẽ đón về nhà với mình, còn anh sẽ quay trở lại công ty tiếp tục làm việc đến 7h tối. Mình và các con sẽ ở cửa hàng đến khoảng 6h thì đóng cửa, sau đó vào nhà tắm rửa và lo cho các con ăn. Nghe thì cũng đơn giản đấy nhưng không hiểu sao lúc đó mình lại cảm thấy mệt vô cùng và chỉ muốn ngưng công việc này ngay lập tức.

Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 4
2 đứa nhỏ nhà mình sau giờ tan học, đang ngồi trông cửa hàng cùng mẹ

2. Bài học xương máu từ khởi nghiệp kinh doanh thất bại

Thực ra ngay từ ngày khai trương đầu tiên mình đã cảm thấy hối hận về việc mở cửa hàng này rồi. Dù ngày đầu tiên khách khá đông, bán được khá nhiều nhưng mình chắc chắn một điều là: Tụi mình lỗ rất nặng. Kết thúc một ngày bán hàng, mình đã không thèm đếm xem tụi mình bán được bao nhiêu, lỗ bao nhiêu, vì sợ biết được sẽ đau lòng. Ngoài lời lỗ, điều mình cảm nhận được đó chính là sự mệt mỏi và áp lực đè nặng lên hai vợ chồng mình. Vốn dĩ tụi mình đã không có thời gian, đã rất mệt mỏi với công việc và con cái rồi, vậy mà còn thêm “đứa con tinh thần” này nữa, mình nghĩ có lẽ tụi mình sẽ không cáng đáng nổi.

Và đúng là như vậy, tụi mình chỉ có thể gắng gượng được đúng 1 tuần. Sau 1 tuần khai trương, không cần ai phải thuyết phục ai, cả hai vợ chồng mình đều đồng lòng sẽ đóng cửa để giải thoát cho chính 2 vợ chồng. Ngay sau khi đưa ra quyết định đóng cửa (lúc đó là chiều tối thứ bảy, ngày 12/9/2020 dương lịch, cũng chính là ngày 25/07/2020 âm lịch – là ngày sinh nhật của mình), 2 vợ chồng mình đã đi ăn sinh nhật mình trong vui vẻ, quên hết mọi áp lực tại cửa hàng, sau đó về nhà ngủ một giấc thật ngon. Sáng chủ nhật hôm đó mình không cần dậy sớm mở cửa nữa, hai vợ chồng mình ngủ một giấc thật đã rồi dậy chở nhau đi ăn sáng, tận hưởng cuộc sống bình yên của trước đây khi chưa mở cửa hàng.

Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 5
Sau khi quyết định đóng cửa hàng, tụi mình đã đi ăn sinh nhật với nhau rất vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Biết mà vui như này thì có lẽ mình dẹp cửa hàng ngay từ ngày đầu tiên khai trương.

Sau khi đóng cửa xong, tụi mình vẫn duy trì website và quyết tâm phát triển dịch vụ đi chợ tại nhà. Nhưng chồng mình vẫn không có thời gian (và hình như lúc này cũng không muốn) đi tìm khách hàng nữa, và vì vậy tụi mình không có một vị khách trên thực tế nào. Còn mình, mình vẫn chịu khó thuê người hoàn thiện và phát triển nội dung trên website, đồng thời đăng bài trên fanpage nhưng chi phí ít ỏi, thời gian không có nên cũng không đâu vào đâu. Sau vài tháng, tụi mình chỉ có vài người khách nhỏ lẻ đặt hàng online. Nhưng đến ngày 22/2/2021 thì dịch vụ đi chợ online của mình cũng hoàn toàn bị chấm dứt. Lý do cụ thể mình sẽ chia sẻ ở phần 2.2 của bài viết này.

Sau khi kinh doanh thất bại toàn tập điều mình nhận được chính là “một thúng” các bài học sâu sắc. Một năm nhìn lại, mình muốn chia sẻ tất tần tật những điều đó đến với mọi người. Hy vọng đây là bài học của mình nhưng đồng thời cũng là bài học để bạn nhìn vào và biết được điều gì nên làm, không nên làm để khởi nghiệp kinh doanh.

2.1. Đừng làm “bán” thời gian

Mặc dù hai vợ chồng mình đều hy vọng đây sẽ là cách để tụi mình thoát nghèo và xem như là công việc chính sau này, nhưng trên thực tế tụi mình lại làm những điều ngược lại. Như đã nói ở trên, tụi mình vẫn duy trì công việc riêng của mình mà không chú tâm 100% vào cửa hàng này. Chồng mình là người phụ trách chính của cửa hàng nhưng anh lại không có thời gian để có thể có mặt mọi lúc mọi nơi tại cửa hàng, thậm chí việc đưa hàng về để bán còn không có thời gian. Còn mình, ngoài công việc của công ty thì còn phải lo thêm chuyện con cái, vốn dĩ đã không có thời gian rồi thì làm sao có thời gian để lo thêm cho “sự nghiệp” riêng này? Và đây là lý do đầu tiên khiến 2 vợ chồng mình thất bại ngay từ ngày khai trương đầu tiên.

Nếu như tụi mình có toàn thời gian để lo cho cửa hàng thì có lẽ tụi mình sẽ không bị mắc các lỗi như:

  • Không nhớ giá, nhớ sai giá;
  • 8h chưa thể mở cửa vì hàng chưa về;
  • Mời gọi mọi người vào mua hàng;
  • Chào hàng đến từng nhà, từng người như kế hoạch vạch ra ban đầu;
  • Phát triển website và dịch vụ đi chợ online;

Nhưng chỉ vì không có thời gian, tụi mình đã không thể làm được một điều gì gọi là tốt đẹp cho cửa hàng này cả.

2.2. Đừng làm chung với người thân

Mình làm chung với chồng mình, cứ nghĩ “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”, ai ngờ cùng nhau khởi nghiệp đã khó như thế này nói gì đến chuyện lớn lao khác.

Từ lúc chuẩn bị cho đến lúc mở cửa hàng, thậm chí cho đến lúc đóng cửa rồi 2 vợ chồng mình đều xảy ra mâu thuẫn. Nếu là người ngoài thì có lẽ “1 điều nhịn 9 điều lành”, nhưng là vợ chồng nên chẳng ai nhịn ai, ai cũng muốn người kia nghe theo lời của mình. Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến mình kinh doanh thất bại.

  • Mâu thuẫn thứ nhất: Mình muốn anh đi tìm khách hàng ngoài trước khi mở cửa hàng để có một lượng khách ổn định nhưng anh không chịu. Thứ nhất ngoài không có thời gian thì còn rất nhiều thứ 2, thứ 3, thứ 4,… khác nữa. Cụ thể, anh lại muốn có cửa hàng trước để người ta nhìn vào thấy sự uy tín thì việc chào hàng sẽ dễ hơn. Hơn nữa, anh nghĩ rằng việc này không vội, sau khi ổn định cửa hàng xong thì anh đi kiếm một vài ngày là được. Nhưng cuối cùng thì tụi mình không hề có một ngày nào gọi là “ổn định” sau ngày khai trương, và anh cũng không đi tìm bất cứ một người khách nào cả (nhấn mạnh lại là không đi tìm chứ không phải là không có).
  • Mâu thuẫn thứ 2: Mình muốn cửa hàng của mình bán tất tần tật mọi thứ về thực phẩm để khi khách hàng cần gì là sẽ có ngay, nhưng anh chồng mình thì không muốn vậy. Anh nói chỉ cần có một vài mặt hàng cơ bản là được rồi, chứ nhập về đầy đủ làm gì cho không có chỗ chứa. Cái này mình không biết ai đúng ai sai nữa, nhưng mình là người bán hàng trực tiếp thì cảm thấy vô cùng khó chịu khi khách đến hỏi cái này cái kia cũng đều không có. Mình nghĩ rằng mới khai trương nhưng khách vào hỏi cái gì cũng không có, họ sẽ nghĩ là cửa hàng mình thiếu quá nhiều thứ và thế là lần sau họ không ghé vào nữa.
  • Mâu thuẫn thứ 3: Sau khi tụi mình dẹp cửa hàng, tụi mình vẫn nói với bạn bè và người thân rằng sẽ tiếp tục dịch vụ giao hàng tại nhà. Vì vậy, một vài người bạn thân thiết của mình có đặt hàng ủng hộ. Nhưng khi đặt hàng, chồng mình lại thờ ơ với các đơn hàng. Đến ngày giao nhưng hàng anh chưa lấy về, giục đi lấy thì mãi mới đem về được một chút nhưng thiếu hết cái này đến cái nọ. Người ta hẹn giao buổi sáng thì chồng mình lại bảo “mai giao được không” trong khi người ta đặt trước cả tuần rồi. Mình bực mình đến phát khóc. 2 vợ chồng mình cãi nhau rất nhiều vì chuyện này. Đến tận bây giờ mình vẫn không thể hiểu được suy nghĩ của chồng mình. Rõ ràng là muốn có khách, nhưng khi có khách rồi lại không muốn phục vụ.
  • Mâu thuẫn thứ 4: Mãi sau này thỉnh thoảng vẫn có vài người không quen biết đặt hàng trên fanpage. Nhưng chồng mình vẫn “chứng nào tật nấy”, thờ ơ với mọi đơn hàng. Mình thì đơn bé đơn to gì cũng nhận hết, mình biết sẽ không có lời đâu nhưng vẫn nhận để giữ khách. Nhưng chồng mình, mình không hiểu anh nghĩ gì cả, chỉ biết rằng mỗi lần có đơn hàng đến là anh kiểu như không quan tâm, đến ngày giao không giao cũng không báo cho mình biết.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn thứ 4 là ngày 22/2/2021, mình nhận đơn của khách quen đã đặt vài lần trên fanpage. Mình báo cho chồng biết về thời gian và địa điểm giao hàng, chồng mình đã ok rồi. Nhưng đến tận tối anh đi làm về mình hỏi ra thì mới biết anh chưa giao. Mình hỏi sao chưa giao, không giao sao không nói, anh trả lời “mai giao có sao đâu”. Mình cạn lời với câu nói này. Cộng với những bức xúc của nhiều đợt trước, mình thật sự không chịu nổi. Và rồi tụi mình cãi nhau, anh nói rằng từ nay làm gì cũng sẽ làm riêng chứ không làm chung với mình nữa. Vì mình chuyện bé xé ra to, chuyện chẳng có gì mà làm như kiểu “chết người” đến nơi. Và dĩ nhiên rồi, mình không thể chịu đựng thêm lần nào nữa về cái kiểu làm ăn này của anh. Hôm đó mình đã tát vào mình 10 cái trước mặt chồng mình và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm chung với anh bất cứ công việc nữa. Đồng thời cũng ngay hôm đó mình xóa hết website, fanpage và những thứ liên quan đến cửa hàng của tụi minh.

Tâm sự 1

Tâm sự 2
Tâm sự mình viết trên facebook ngày quyết định dẹp bỏ hết tất cả những gì liên quan đến Thực phẩm sạch LD

Nhiều lúc nghĩ cái cái kết này có lẽ cũng do mình là vợ của anh ấy nên anh mới có cái thái độ làm ăn như vậy. Chứ trong công việc (anh làm ở công ty) thì hoàn toàn khác. Anh là một người cực kỳ chịu khó, nhiệt tình và rất được lòng mọi người. Duy chỉ có khi làm với mình là giống như biến thành một con người khác. Vì vậy sau thất bại này mình đã tự nhủ sau này dù dòng đời xô đẩy như thế nào thì mình và anh nếu muốn sống chung hòa thuận thì tuyệt đối không nên làm chung, nếu không chắc chắn “3 ngày 1 trận nhẹ, 5 ngày 1 trận nặng” là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

2.3. Đừng quá ảo tưởng về khả năng của bản thân

Điều này mình đã nói ở trên rồi, rằng vợ chồng mình đã quá ảo tưởng có thể:

  • Thay đổi thói quen đi chợ của mọi người: từ truyền thống chuyển sang online;
  • Sự có mặt của cửa hàng tụi mình là giải pháp cho người dân sống gần đó (sự thật thì chẳng ai cần đến tụi mình cả);
  • Tụi mình sẽ trở thành cái tên hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đi chợ tại nhà (nhưng đến giờ chẳng ai biết Thực phẩm sạch LD là gì ngoại trừ người thân và bạn bè);
  • Tụi mình sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của người thân, bạn bè sống ở Tp. HCM khi cần mua thực phẩm (nhưng không phải, chỉ vài người đặt ủng hộ cho vui thôi, họ vẫn không thể thay đổi thói quen đi chợ kiểu truyền thống được);
  • Dù cả thế giới quay lưng thì gia đình nhà hàng xóm khá thân thiết bên cạnh sẽ luôn ủng hộ tụi mình (chính cô chú ấy nói như vậy), nhưng sự thật thì cô chú chỉ mua 1 lần duy nhất vào ngày khai trương, kể từ đó trở đi thì không mua gì (mình nghĩ có lẽ do tụi mình bán đồ ăn trong tủ lạnh, còn cô chú thì thích ăn đồ tươi sống – là mình tự nghĩ vậy chứ không biết có đúng không);
  • Tụi mình nghĩ rằng có thể thay đổi số phận và cuộc đời của mình, giống như câu chồng mình vẫn thường nói: “không thể làm thuê cả đời được”, “không thể nghèo mãi được”, nhưng kết quả thì khởi nghiệp xong tụi mình còn nghèo hơn, vì: tiền thuê mặt bằng, tiền sắm sửa cho cửa hàng, tiền lỗ, tiền xây dựng và phát triển website,…

Nếu tụi mình không quá ảo tưởng thì có lẽ tụi mình sẽ biết tính toán kỹ càng hơn, đi từng bước dè dặt hơn, chứ không phải tự vẽ ra bức tranh màu hồng rồi bước vào trong đó, sau đó lạc vào ma trận không biết đâu là lối ra.

2.4. Đừng tham lam, hãy tự biết “sức” của mình

Mình nghĩ mong muốn của vợ chồng mình là không sai, chẳng ai phê phán một người muốn vượt khó làm giàu cả. Mong muốn thì chính đáng nhưng cách thực hiện sai thì mới xảy ra chuyện thất bại như ngày hôm nay. Nhưng dù sao thì cũng cảm ơn mọi chuyện đã xảy ra, nhờ nó mình mới có được rất nhiều bài học quý giá mà nếu như chưa trải qua thì mình không thể nào biết được.

Khi chưa mở cửa hàng hai vợ chồng mình vốn là người không có thời gian, vậy mà vẫn cố gắng ôm vào người một công việc cực nhọc. Để rồi khi thoát ra được rồi thì cảm thấy có phải tụi mình đã quá tham lam rồi không? Nếu đã chọn mở cửa hàng thì tại sao lại không nghỉ việc đang làm? Nếu muốn duy trì công việc đang làm thì phải biết rằng không có thời gian để làm thêm việc khác. Vậy mà vẫn 2 tay ôm trăm ngàn việc, đúng thật là tham lam mà.

Chồng mình làm việc ở công ty từ 4h sáng đến 7h tối nhưng vẫn chưa thể nào xử lý hết việc. Còn mình làm Content Writer thì tháng nào cũng thiếu KPI trầm trọng, đuổi theo KPI đã mệt đứt hơn mà còn mở thêm cửa hàng nữa. Lại còn thêm 2 đứa con nhỏ chưa hiểu chuyện, không có ai phụ giúp việc nhà, vậy mà tụi mình lại liều lĩnh rước thêm công việc khác vào người. Đó có được gọi là không biết lượng sức mình không?

————————————–

Một năm nhìn lại khởi nghiệp thất bại, nhìn thấy rất nhiều tổn thất trong đó nhưng đồng thời cũng thấy được những bài học nhớ đời. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại chỉ thấy đó là một trải nghiệm đáng nhớ chứ không phải là chuyện gì đó đáng xấu hổ. Đúng là thất bại thật nhưng không phải mọi thất bại đều để lại đau thương. Giống như câu nói “thất bại là mẹ thành công”, biết đâu sau này tụi mình thành công nhờ trên những trải nghiệm đã thất bại này thì sao?

Hiện tại dịch Covid-19 đang hoành hành, thực phẩm trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Vợ chồng mình vẫn hay đùa nhau “giờ này mà còn duy trì dịch vụ đi chợ tại nhà chắc là giàu to rồi đây”. Nhưng nói vậy thôi chứ tụi mình biết nếu dịch vụ này còn thì có lẽ tình cảm 2 vợ chồng mình đã tụt dốc không phanh sau mỗi lần có đơn đặt hàng rồi. Mới chỉ có vài đơn thôi mà cãi nhau đến long trời lở đất, nếu vài chục đến vài trăm đơn thì liệu vợ chồng mình có cầm dao chém nhau hay không? Mình nghĩ còn làm chung thì chắc không điều gì là không thể xảy ra.

Cũng may (cũng không biết có may thật không) giờ đây cuộc sống đã trở lại bình yên như những ngày chưa có cửa hàng. Chồng mình thì lo việc của anh ấy (hiện tại thì đang nghỉ dịch), còn mình thì lo việc của mình. Ngoài công việc, 2 vợ chồng mình tập trung lo cho con cái, nhà cửa và nghỉ ngơi. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng lại bình yên và thoải mái vô cùng.

Dưới đây là một số hình ảnh kỷ niệm về khởi nghiệp kinh doanh thất bại của 2 vợ chồng mình:

Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 6
2 vợ chồng trước ngày khai trương – phờ phạc
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 7
Hình ảnh chụp trước giờ khai trương, trông cũng rất gì và này nọ phải không?
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 9
Hình ảnh chụp trước giờ khai trương, trông cũng rất gì và này nọ phải không?
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 8
Hình ảnh chụp trước giờ khai trương, trông cũng rất gì và này nọ phải không?
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 10
Ngày khai trương rất đông người vào mua, và cũng chỉ có duy nhất ngày này đông.
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 11
Trông cũng hoành tráng mà nhỉ?
Bài học khởi nghiệp kinh doanh thất bại 13
Bà chủ cửa hàng đang cắt thịt để bán cho khách đây. Không tin được là có ngày mình làm công việc này.