#5 điều cần biết về nhiệt miệng trước khi chữa trị

Bạn không thể chữa trị nhiệt miệng hiệu quả nếu chưa biết được 5 điều cơ bản dưới đây. Hiểu được bản chất của căn bệnh sẽ giúp bạn biết tìm được cách chữa trị tốt nhất.

Mình là Chanh (xem bài Giới thiệu để hiểu rõ hơn về mình nhé) – một người bị nhiệt miệng quanh năm suốt tháng. Trong 1 năm, hãy đếm số lần không bị nhiệt của mình chứ đừng đếm số lần mình bị nhiệt miệng, bởi vì có dùng hết đốt ngón tay, ngón chân cũng chẳng đếm xuể. Là một người có “kinh nghiệm” đầy mình, mình tự tin chia sẻ đến bạn – những ai đang bị nhiệt miệng và tìm hiểu về căn bệnh này những kiến thức về bệnh, về cách chăm sóc, cách chữa trị và đặc biệt như một sự chia sẻ, an ủi với những “nỗi đau” mà bạn đang phải chịu đựng.

Mình biết khi bị nhiệt ai nấy đều nóng lòng muốn biết cách trị nhiệt miệng ngay lập tức hoặc cách trị nhiệt miệng tận gốc. Nhưng mà ở bài viết này mình sẽ không nói về cách trị mà sẽ nói về các kiến thức cơ bản về căn bệnh này. Tại sao ư? Vì mình muốn bạn hiểu được căn nguyên của vấn đề, từ đó khi tìm cách giải quyết sẽ hiệu quả hơn. Cũng giống như các bác sĩ khi chữa bệnh vậy, chẳng phải họ cũng đi tìm nguyên nhân sau đó mới đi đến giải pháp hay sao?

Đừng mất kiên nhẫn, hãy đọc hết bài viết này để biết những điều cơ bản về căn bệnh nhiệt miệng nhé!

Bệnh nhiệt miệng là gì – bạn đã hiểu về nó?

nhiệt miệng 1

Bệnh nhiệt miệng theo cách gọi khoa học là bệnh Recurrent Aphthous Stomatitis – RAS hoặc bệnh áp tơ miệng. Còn theo cách gọi thông thường thì gọi là lở miệng, nhiệt lưỡi,… Đây là cách gọi chung chỉ một căn bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng.

Nhiệt ở đây chỉ sự nóng – lạnh của cơ thể. Đối với lở miệng thì thường do nhiệt độ bên trong cơ thể nóng dẫn đến viêm loét.

Đây là một căn bệnh phổ biến xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.

Phân biệt nhiệt miệng với một số bệnh giống với nó

Bệnh tưa lưỡi, bệnh tay chân miệng và ung thư khoang miệng là những bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng nhất. Bạn cần phân biệt được các loại bệnh này để xác định đúng căn bệnh mình mắc phải, từ đó tìm cách chữa trị phù hợp.

  • Bệnh tưa lưỡi: Là bệnh với các dấu hiệu như nổi mảng trắng ở lưỡi, mép, niêm mạc miệng, thường kèm theo vết nứt nhỏ. Ban đầu bệnh chỉ là các chấm nhỏ li ti nhưng sau một thời gian ngắn sẽ lan ra cả lưỡi, đóng thành mảng, chuyển dần xuống cuống họng. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em.
  • Bệnh tay chân miệng: Dấu hiệu của bệnh là những vết loét đỏ xuất hiện trong miệng, đi kèm với đó là nổi mụn ngứa ở tay chân. Bệnh này cũng thường xuất hiện ở trẻ.
  • Ung thư khoang miệng: Dấu hiệu là những tổn thương có hình dạng vết loét, vết trợt hoặc một u sùi ở lưỡi, có màu đỏ xen lẫn màu trắng, vàng. Xung quanh vết loét chai cứng, thường chảy máu và có mùi hôi. Bệnh thường bị nhầm lẫn với nhiệt miệng nên không được chữa trị, đến khi xuất hiện các triệu chứng nặng thì các khối u đã lớn.

Hình ảnh nhiệt miệng, lở miệng chân thật nhất

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều các hình ảnh bị lở miệng, nhiệt miệng trên mạng, nhưng để có cái nhìn chân thật và sinh động nhất thì hãy nhìn các hình ảnh của mình dưới đây:

nhiệt miệng 6 nhiệt miệng 5 nhiệt miệng 4 nhiệt miệng 2 nhiệt miệng 3

Mình từng thấy hình ảnh nhiệt miệng của rất nhiều người nhưng mình chưa thấy của ai có kích thước to “kinh khủng khiếp” như của mình cả. Không những vậy, mỗi lần bị đều xuất hiện từ 2 – 3 cái giống như kiểu đã mất công bị thì bị luôn một thể vậy.

Triệu chứng của bệnh nhiệt miệng

Đó là một vết loét to khoảng 1 – 10 mm (tùy từng người). Ban đầu chỉ là một đốm trắng nhỏ, nhưng lớn dần theo thời gian trở thành một vết loét đỏ.

Nhiệt miệng thường xuất hiện ở niêm mạc miệng (bị nhiệt miệng ở má trong), nhiệt miệng ở lưỡi hoặc lợi. Riêng mình thì đủ “combo”.

Biểu hiện của bệnh nhiệt miệng là đau, rát, nhức. Không chỉ đau khi ăn uống, nói chuyện mà đối với tình trạng nặng thì còn gây nhức về đêm, ngay cả khi miệng của bạn không hề cử động. Ngoài ra, “đồng hành” với triệu chứng nhiệt miệng là tình trạng khô môi, nứt nẻ diễn ra. Mặc dù được khuyên nên uống nhiều nước nhưng vẫn khó để cải thiện được tình trạng này.

Một số ít người khác thì khi bị nhiệt miệng có thể kèm theo triệu chứng: sốt, khó chịu, sưng bạch huyết. Mình thì chỉ đau, khó chịu, sưng chứ chưa bị sốt.

Các dạng của nhiệt miệng

Các bác sĩ chia nhiệt miệng thành 3 dạng sau đây:

  • Nhiệt miệng thể nhỏ: Là loại bệnh thường gặp nhất. Dạng này có vết loét nông, riêng biệt từng nốt, đường kính 3mm đến dưới 1 cm, có thể xuất hiện từ 1 – 5 vết nhiệt cùng một lúc, xuất hiện ở môi, má và nền miệng. Bệnh này gây đau, tự khỏi sau 7 – 10 ngày và không để lại sẹo.
  • Nhiệt miệng thể lớn: Là loại nhiệt ít gặp hơn. Bệnh này có kích thước vết loét lớn (thường 1 – 3cm), sâu hơn, có thể tập trung thành nhóm gần nhau, xuất hiện ở môi, hàm ếch mềm, họng,… Bệnh có thể kéo dài đến 6 tuần, có thể để lại sẹo hoặc thậm chí gây co kéo miệng hầu.
  • Nhiệt miệng Herpes: Là loại nhiệt miệng ít gặp nhất. Nếu như 2 dạng nhiệt miệng nói trên xuất hiện bên trong miệng thì bệnh này tập trung thành từng đám, kích thước nhỏ (khoảng 1 – 3mm), xuất hiện ở xung quanh miệng, hình ảnh giống như những mụn nước nhỏ. Bệnh gây đau rát, có khả năng tự khỏi nhưng dễ tái phát và dễ lây lan.

Nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng

Theo dân gian, nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng là do cơ thể bị nóng hoặc người bệnh ăn quá nhiều đồ cay, nóng.

Còn theo y học hiện đại, bệnh nhiệt miệng do nhiều nguyên nhân gây nên như:

  • Các bệnh về răng như: sâu răng, viêm quanh răng, viêm tủy răng,…
  • Do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc phản ứng với thành phần hóa học nào đó (kem đánh răng, nước súc miệng)
  • Do miệng bị tổn thương: bởi thức ăn quá nóng hoặc do chúng ta vô tình cắn phải
  • Do thiếu chất: vitamin B12, B9, kẽm, sắt,…
  • Do stress: Áp lực, căng thẳng, mệt mỏi.

Giải đáp một số thắc mắc về nhiệt miệng

Hay bị nhiệt miệng là thiếu chất gì?

Như đã nói ở trên, nhiệt miệng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu chất: vitamin B9, B12, kẽm, axit folic, sắt,…

Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?

Nhiệt miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh sau đây:

  • Bệnh celiac (một dạng rối loạn đường ruột do nhạy cảm với gluten)
  • Các bệnh viêm đường ruột: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng
  • Bệnh Behcet (rối loạn gây viêm khắp cơ thể, thường ít gặp)
  • HIV/AIDS

Nếu bạn bị nhiệt miệng liên tục và kéo dài thì nên đi khám bác sĩ để biết nguyên nhân thực sự gây bệnh có phải là một trong các bệnh nói trên hay không.

Cách ngăn ngừa nhiệt miệng hiệu quả nhất

Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng sự tổn thương về miệng gây đau đớn, khó chịu và bất tiện cho ăn uống, nói chuyện. Vì vậy, để phòng tránh bệnh nhiệt miệng thì bạn có thể áp dụng các cách sau đây:

  • Tránh ăn thức ăn cay, nóng và có khả năng gây kích ứng miệng (như chanh, bưởi, dứa, cam);
  • Hạn chế các món ăn chế biến theo kiểu chiên, xào, thay vào đó ưu tiên những món luộc, hấp;
  • Tránh đồ uống có cồn và cafein;
  • Khi ăn nhai chậm và hạn chế nói chuyện để tránh cắn vào lưỡi hoặc khoang miệng;
  • Tránh căng thẳng, luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ;
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày (ngoài đánh răng thường xuyên thì nên duy trì thói quen súc miệng bằng nước muối hoặc dùng chỉ nha khoa);
  • Bổ sung nhiều vitamin và dưỡng chất, đặc biệt là những nhóm thực phẩm có tính mát như rau má, dừa,…
  • Uống đủ nước mỗi ngày

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn biết cách duy trì lối sống lành mạnh, phù hợp để hạn chế tối đa mắc bệnh nhiệt miệng.

Như đã nói ở đầu bài, ở bài viết này mình sẽ không nói về cách trị nhiệt miệng mà chỉ nói về các kiến thức cơ bản liên quan đến bệnh. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cách chữa, bạn có thể lựa chọn tham khảo các bài viết dưới đây:

  • Chữa nhiệt miệng bằng mật ong
  • Thuốc trị nhiệt miệng Oracortia
  • thuốc nhiệt miệng sensacool
  • chữa nhiệt miệng bằng bột sắn dây
  • viên sủi nhiệt miệng
  • trị nhiệt miệng bằng muối
  • chữa nhiệt miệng bằng kem đánh răng
  • vitamin chữa nhiệt miệng
  • nhiệt miệng uống gì