Cuộc đời mình có vô số những sai lầm. Nhưng sai lầm, ngu dốt lớn nhất chính là ngang nhiên “sống thử” với bạn trai ngay trước mặt bố mẹ của anh ấy. Bạn biết cái kết là gì không?
Sai lầm thứ nhất
Gọi là “sai lầm thứ nhất” bởi vì trong câu chuyện này có rất nhiều các chuỗi sai lầm khác diễn ra.
Ở bài viết Tất tần tật về mình có một sự kiện được mình nhắc đến, đó là: Cuối năm 2013, đầu năm 2014 mình tốt nghiệp nhưng không đi xin việc làm. Trong thời gian chờ nhận bằng mình đã về nhà người yêu mình chơi. Nhà anh ấy làm thêu vi tính, đúng lúc đó đang thiếu người làm. Bố mẹ anh ấy thấy mình chưa có việc nên kêu mình ở lại làm phụ một thời gian, bao giờ có việc thì đi. Mình không hề bàn bạc, hỏi ý kiến của mẹ mình mà ngay lập tức đồng ý.
Lúc đó mình nghĩ rằng:
- Mình có thể ở gần người yêu mình hàng ngày;
- Mình có cơ hội gần gũi với gia đình chồng tương lai hơn;
- Mình cũng chưa có việc làm mà, thôi thì làm tạm.
Ấy thế mà cái “tạm” ấy kéo dài cũng hơn 1 năm.
Từ một người tự do mình tự đưa mình vào cuộc sống khuôn khổ, muốn gì không được làm nấy, nghĩ gì không được nói nấy.
Mình ở trong nhà anh với vai trò là công nhân, nhưng nếu thật sự chỉ là công nhân đơn thuần thì họ sẽ có cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với mình. Còn mình, con dâu cũng chưa phải nên không thể thoải mái như người nhà, nhưng gọi là công nhân như mọi người cũng không được đúng lắm. Chính cái sự mập mờ, không rõ “danh phận” này nên mới kéo theo hàng loạt các rắc rối sau này.
Những rắc rối đó mình không biết phải gọi tên như thế nào. Đại khái là làm gì cũng bị để ý, soi xét vì đang là người yêu của con trai họ mà. Nhưng lại không thể sỗ sàng, thích gì làm nấy, nghĩ gì nói nấy như những người làm trong nhà anh, tại vì chưa có danh phận.
Có một chuyện mình nhớ mãi, tới giờ nghĩ lại vẫn vô cùng buồn. Mẹ ruột mình gửi cho mình một ít gạo nếp để thỉnh thoảng nấu ăn sáng. Mình không biết mẹ của người yêu mình có biết chuyện này hay không. Nhưng sau vài bữa sáng mình nấu xôi thì mẹ người yêu mình đã nói với anh ấy rằng: “Nó chưa phải là con dâu trong nhà này đâu mà tự tiện như thế”. Đó chỉ là một trong số rất nhiều các câu chuyện khác để bạn có thể hình dung được cuộc sống của mình (khi chưa có danh phận) tại nhà chồng tương lai như thế nào.
Mình là người không khéo, rất vụng, không biết lấy lòng người khác. Mình của lúc đó cũng chỉ mới có 22 tuổi chưa va chạm nhiều, chưa có kinh nghiệm sống. Mình không phải là người không có giáo dục nhưng cách giáo dục của mẹ mình thoải mái hơn rất nhiều, so với người miền Bắc thì nhà mình có phần dễ chịu hơn (à, người yêu mình gốc Bắc). Đó là lý do khiến mình mất điểm ngay từ khi dọn đến nhà anh để ở. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại tại đó.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Trong cách ăn, cách nói, cách ở… mình đã không được lòng bố mẹ người yêu mình, thì chuyện tiếp theo mình sẽ nói tới nó còn kinh khủng hơn nữa.
Mình-đã-“sống-thử”-với-bạn-trai ngay tại nhà bố mẹ của anh ấy.
Trước hết mình sẽ nói qua một chút về “sống thử”. “Sống thử” là cách nói của nhiều người để chỉ hành động của nam nữ khi yêu nhau về sống với nhau như vợ chồng mặc dù chưa cưới. Gọi là “thử” vì chưa được công nhận, nhưng sự thật thì họ đang sống thật chứ không phải thử.
Mình và bạn trai mình cũng vậy, chúng mình sống thật chứ không thử. Khi đó cả hai đã xác định sẽ cưới nhau, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình cho rằng sống thử là đúng. Trên đời này có nhiều chuyện dù biết sai nhưng vẫn cố tình làm, và sống thử là một trong những điều đó.
Quay trở lại câu chuyện sống thử của mình và bạn trai. Thực ra chúng mình đã sống thử với nhau từ khi còn đang học đại học chứ không phải đến khi về nhà anh mới bắt đầu. Ở Làng đại học Thủ Đức, chúng mình tuy ở 2 phòng khác nhau nhưng ăn chung, sử dụng đồ chung, tiền chung, sinh hoạt chung và ngủ cùng nhau (nhưng buổi tối thì mình về phòng mình, còn anh đi làm bảo vệ ca đêm nên ngủ ở công ty). Cuộc sống đó duy trì được hơn 1 năm.
Về nhà anh, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ tiếp tục “sống thử” dù đó đã trở thành thói quen. Nhưng tuyệt đối không vì lý do thói quen này mà quay trở về sống thử với nhau. Cũng là vạn bất đắc dĩ mà ra.
Nhà anh lúc đó rất nhỏ và chật, chỉ là căn nhà 1 tầng có gác lửng. Tầng 1 của ngôi nhà dùng làm xưởng thêu. Gác lửng được chia thành 2 bên, 1 bên cho mẹ anh và em trai anh ngủ, 1 bên dành cho công nhân. Còn anh trước đó đi học ở Thủ Đức phải ở trọ nên nếu có về thì ngủ chung với mẹ và em trai. Bố anh thì dựng một cái lều phía trước nhà để vừa coi nhà vừa làm chỗ ngủ.
Đúng là mình sẽ ở bên phòng của công nhân nhưng công nhân lúc đó chỉ toàn là nam nên mình ngủ với mẹ anh. Còn anh và em trai anh thì qua phòng công nhân ngủ. Đến lúc này mình bắt đầu hơi hơi ân hận rồi vì ngủ với mẹ anh nào có thoải mái. Nóng không dám kêu, lạnh không dám kéo chăn đắp, nằm phải khép nép. Mình lại không biết bắt chuyện thế nào, lên ngủ là chỉ biết lên ngủ mà thôi. Mọi thứ cứ diễn ra đều đều như vậy trong khoảng hơn 1 tuần.
1 tuần sau, mọi thứ thay đổi 180 độ. Bên phòng mẹ anh có tivi, máy tính, điều hòa nên anh và em trai anh trước khi ngủ đều sẽ ở bên này xem phim và chơi máy tính. Một hôm, mình đi ngủ trước (vì làm cả ngày mệt mà), anh và em trai anh cùng nằm trên nệm chung với mình xem phim. Một lúc sau anh cũng ngủ quên. Em trai anh thấy anh ngủ ở đây nên cũng ngủ lại luôn. Mẹ anh khi lên ngủ thấy không còn chỗ nữa nên đã xuống ngủ với bố anh. Vậy là xong, “gạo đã nấu thành cơm” chăng?
Khi tỉnh dậy mình rất sợ, rất lo lắng và vô cùng ân hận. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra rồi thì biết làm sao được chứ? Điều đáng ngạc nhiên hơn là bố mẹ anh không hề nói gì, tỏ ra rất bình thường với chuyện xảy ra tối qua.
Có lần 1 thì sẽ có lần 2, lần 3 và lần thứ “n”. Những tháng ngày sau đó là những chuỗi ngày “sống thử” giữa mình và anh (dĩ nhiên luôn đi kèm với em trai anh).
Mãi cho đến khi nhà anh tìm được công nhân nữ. Lúc này bên phòng công nhân tiếp tục được chia thành 2 phòng thì mình đã chủ động dọn sang bên đó ở. Thực ra lúc này mình đã cảm nhận được sự khó chịu của mẹ anh đối với mình. Bà không nói ra mặt nhưng nhìn thái độ thôi là cũng đủ hiểu rồi. Nếu đổi lại là mình thì chắc là mình còn ghê gớm hơn chứ không âm thầm chỉ là thái độ như mẹ anh đâu. Cũng là do mình sai, cộng thêm quá nhiều thiếu sót nên cái giá là phải sống chung với thái độ khó chịu của mẹ chồng tương lai mỗi ngày, mỗi giờ.
Cái kết cho lựa chọn sai lầm
Mình gọi đó là lựa chọn bởi vì ngay từ đầu đến cuối đều là do chính mình tự nguyện chọn.
- Mình chọn vào nhà anh làm khi chưa có danh phận, tự mua dây buộc mình, tự mình làm khổ mình. Ở độ tuổi đó đúng ra mình đang tự do bay nhảy, khám phá, học hỏi, tìm việc làm, tìm kinh nghiệm… thì mình lại bước chân vào cuộc sống hà khắc, khổ sở.
- Mình chọn tiếp tục ngủ với anh sau đêm đầu tiên “lỡ” ngủ quên chứ không kiên quyết tách ra dù lỡ sai lầm. Để rồi sau này mình tự nhận thấy mình không được tôn trọng và trân trọng.
- Mình chọn gắn bó với nhà anh trong khoảng 1 năm trời để chịu đựng đủ bao điều cay đắng, tủi hờn không biết phải nói làm sao. Dĩ nhiên tủi hờn này chỉ một mình mình cảm nhận được, còn bố mẹ anh hay ngay thậm chí là anh cũng không thể nào hiểu được dù chỉ một phần. Đúng ra mình nên đi ngay khi nhà anh đã có đủ người làm, nhưng không hiểu sao lúc đó mình và anh vẫn tiếp tục ở lại. Lúc đó mình không làm công nhân mà thay vào đó phải đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nhìn vào thì giống con dâu nhưng sự thật thì mình lại nhận lương giống như con ở. Nghĩ lại cảm thấy mình thật là ngu ngốc, sao không rời đi ngay từ lúc đó chứ?
Sau khoảng 1 năm ở nhà anh, mình và anh quyết định dọn đi. Mình cũng không nhớ lý do dọn đi là gì nữa. Chắc là do anh tìm được việc, và mình cũng đi ra để xin việc cho mình. Lúc này mình mới được sống một cuộc sống đúng nghĩa – cuộc sống của tuổi trẻ và cuộc sống của một người tự do.
Nhưng đến lúc này mình vẫn chưa khôn ra được. Lúc ở cùng một nhà đã không tình cảm gì rồi, vậy mà dọn đi rồi mình vẫn về nhà anh thường xuyên. Mà về có phải được đón tiếp chu đáo, niềm nở gì đâu, vẫn phải đối diện với sự lạnh lùng và khó chịu của mẹ anh. Vậy mà mình cuối tuần nào cũng về, lễ lạt gì cũng về, mỗi lần về đều ở lại ít nhất 1 ngày 1 đêm. Để rồi bây giờ nghĩ lại nghìn lần ân hận. Tại sao lúc đó không dành thời gian cuối tuần để đi chơi, để tận hưởng cuộc sống mà chọn về làm dâu “hờ”? Người làm dâu thật muốn đi thật xa không được, dâu hờ như mình lại muốn về tự làm khổ mình.
Cuối năm 2015, mình có bầu. Đúng lúc đó bố chồng mình đề cập đến chuyện đám cưới nhưng không phải vì để “chạy bầu”. Họ không hề biết mình có bầu, họ muốn cưới vì nhìn thấy 2 đứa mình yêu nhau lâu rồi mà thôi. Dĩ nhiên là mình đồng ý, nhưng không phải vì lý do mình đã có bầu rồi nên phải cưới, mà mình không có lý do gì để từ chối cả.
Vậy là đám cưới của mình được diễn ra vào đầu năm 2016. Mọi người có muốn biết cuộc sống hôn nhân của mình sau này như thế nào không? Thái độ của mẹ chồng mình đối với mình ra sao không? Hãy đọc tiếp các bài viết ở mục Yêu để hiểu rõ hơn cuộc sống của mình sau khi lấy chồng nhé!
Mình có trách mẹ chồng mình không?
Bài viết sặc mùi trách móc nhưng thực tâm thì mình nhận thấy mẹ chồng mình không sai.
Có một câu nói rất hay: “Đừng nhầm lẫn giữa thái độ của tôi và tính cách của tôi. Tính cách của tôi nói lên con người của tôi. Còn thái độ của tôi tùy thuộc vào con người bạn.“
Mẹ chồng mình không hề hằn học và khó chịu với mọi người mà chỉ hằn học và khó chịu với mình thôi, chứng tỏ là do mình sống không đúng, không tốt. Nếu mình là người khéo léo một chút, biết ăn nói một chút, và đặc biệt là không có những sai lầm nói trên thì có lẽ mẹ chồng mình sẽ không bao giờ có thái độ khó chịu với mình. Mẹ sẽ giống như mẹ của những ngày xưa mình mới tới – vui vẻ, hiền lành và dễ chịu biết bao. Hay mẹ giống như mẹ của bây giờ – luôn thấu hiểu, thông cảm và vui vẻ với con cháu. Còn mẹ của lúc đó không vui, khó chịu, thái độ này nọ tất cả cũng là do mình mà ra.
Vì vậy các cô gái à! Nếu ai chưa có chồng hoặc sắp có chồng mà đọc được bài viết này thì hãy tự rút ra một “thúng” kinh nghiệm cho chính mình nhé! Đừng bao giờ “sống thử” với bạn trai, hoặc nếu có thì cũng đừng để phụ huynh biết. Ngoài vấn đề sống thử thì trước khi về nhà chồng cần phải học hỏi thật nhiều để bản thân mình trở thành một người khéo léo, ăn nói có duyên, năng nổ, tháo vát… để “ghi điểm” trong mắt người lớn nhé!